Bộ Y tế: 'Đề nghị Tòa án có thể tuyên vô tội bác sỹ Hoàng Công Lương'

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay: Chúng tôi đề nghị nếu có thể được, Tòa án có thể tuyên vô tội cho bác sỹ Hoàng Công Lương.
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chiều 4/6, Bộ Y tế tổ chức họp cung cấp thông tin xung quanh xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình.

Cuộc họp được diễn ra 1 ngày trước khi Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ ra tuyên án các bị cáo trong vụ án này.

[Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Sẽ tuyên án vào ngày 5/6]

Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế, ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông thi đua khen thưởng (Bộ Y tế).

Tại cuộc họp, các đại diện của Bộ Y tế bày tỏ quan điểm của Bộ xung quanh việc xét xử vụ án liên quan tới bác sỹ Hoàng Công Lương và trả lời báo chí nhiều nội dung liên quan tới các vấn đề như: Quy trình chạy thận, những quy định liên quan tới chạy thận… để làm rõ các thông tin và tình tiết khái quát phiên tòa và cung cấp thêm thông tin cho báo chí.

Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế khẳng định sự cố trong chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong và có thêm 1 bệnh nhân tử vong vào cuối năm.

“Bộ Y tế khẳng định đây là một sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lọc thận nhân tạo của thế giới cũng như Việt Nam.”

Ông Quang cho hay, những năm gần đây, việc chạy thận nhân tạo được tiến hành từ trung ương đến địa phương từ quận đến xã, trở thành kỹ thuật thường quy, không có gì đặc biệt.

Chính vì việc chạy thận nhân tạo đã được tiến hành thường quy ở các cấp nên khi xảy ra sự cố tức là có sự bất thường, có lưu ý bất thường. Tại vụ án trên, đó là hóa chất dùng cho việc xúc rửa lọc thận chưa được nằm trong danh mục hóa chất được sử dụng trong y tế. Thứ hai là do không kiểm giao hóa chất tồn dư.

Việc buộc tội của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hòa Bình còn yếu

Ông Quang phân tích, Bộ Y tế đã có xem xét nội dung của cáo trạng và cũng đã có gặp mặt báo chí thể hiện quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Y tế là tôn trọng các cơ quan truy tố và xét xử, trong đó có việc các cơ quan tố tụng đều thực hiện việc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bộ Y tế không có quan điểm can thiệp vào quá trình điều tra truy tố, xét xử, nhưng Bộ Y tế lưu ý, các cơ quan chức năng phải có xem xét để đánh giá các trách nhiệm hình sự này trên cơ sở đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai người vô tội và không để lọt tội phạm.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án liên quan tới chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Quang nhấn mạnh, tư tưởng này cũng phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có công văn chỉ đạo trước đó liên quan tới việc xét xử vụ án.

“Qua nghiên cứu và ý kiến từ các chuyên gia, chúng tôi thấy các yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến tội của bác sỹ Hoàng Công Lương là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng từ yếu tố chủ thể là người có chức vụ quyền hạn cũng như các yếu tố khách quan của vấn đề liên quan đến mối quan hệ nhân quả khi anh có nhiệm vụ quyền hạn về vấn đề gì thì hậu quả xảy ra nó phải do anh thiếu trách nhiệm về vấn đề đó.”

“Ví vụ bác sỹ là điều trị, nếu như y lệnh sai thì người bác sỹ đó phải là người chịu trách nhiệm. Những vấn đề như vậy, chúng tôi đã phân tích và nhận định việc buộc tội của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hòa Bình còn yếu và chưa đủ các chứng cứ để cấu thành tội phạm. Chúng tôi có đề nghị Tòa án trong quá trình xem xét, xét xử phải đảm bảo yếu tố khách quan, minh bạch, trọng cung và trên tinh thần như vậy, để có được một phiên xét xử vừa phù hợp với pháp luật, vừa phù hợp với tâm lý của xã hội hiện nay, chúng tôi đề nghị nếu có thể được Tòa án có thể tuyên vô tội cho bác sỹ Hoàng Công Lương,” ông Quang nói.

Ông Nguyễn Huy Quang cũng khẳng định, muốn quy trách nhiệm cho bác sỹ Hoàng Công Lương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì người ta phải xem xét các yếu tố chủ quan và khách quan, chủ thể và khách thể. Ở đây yếu tố chủ thể phải là các yếu tố đặc biệt, chủ thể đặc biệt là những người có chức năng, nhiệm vụ được giao, khi đó mới là chủ thể.

"Qua tranh luận tại phiên tòa vừa qua, qua xét hỏi cho thấy, người ta cố để đưa bác sỹ Hoàng Công Lương được giao nhiệm vụ trong sổ giao ban sau đó ông Công phản cung lại là ghi thêm vào theo chỉ đạo của ông Khiếu. Những hành động này làm cho luận điểm về chủ thể vi phạm của bác sỹ Hoàng Công Lương không vững," ông Quang chỉ rõ.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác, ví dụ như luận điểm của Luật sư Lê Văn Thiệp khẳng định bác sỹ Hoàng Công Lương vô tội ở các mặt chủ thể, khách thể, khách quan, chủ quan…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục