Nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất vaccine, kiểm toán bệnh viện, chất lượng nguồn nhân lực y tế tiếp tục nhận được nhiều ý kiến chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại phiên sáng 10/11.
Ủng hộ trao việc quản lý Trung tâm y tế cho quận, huyện
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) về giải pháp gì trong việc phân cấp quản lý để phát huy vai trò của các bệnh viện quận huyện và Trung tâm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế ủng hộ phương án trao việc quản lý các Trung tâm y tế cho quận, huyện vì tiềm lực của địa phương này rất lớn.
“Việc phân cấp, phân quyền, tăng cường đầu tư, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
[Bộ trưởng Y tế: Đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn giá]
Đối với mặt bằng chung trên toàn quốc, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc trên tất cả các góc độ để đảm bảo tăng cường được đầu tư, tăng cường về mặt quản lý, cũng như tăng cường về mặt trách nhiệm đối với quản lý y tế cơ sở nhằm làm tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập như các bệnh viện nếu đã tự chủ hoàn toàn được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm báo cáo về tài chính: Hoặc kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lập phải làm việc này.
“Vậy chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa hay là đến khi mất bò mới lo làm chuồng," Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi?
Với những đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải chuyển về cho địa phương, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.
“Chúng tôi rất mong muốn đại biểu Quốc hội đi đến thống nhất để trong lần này Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn có nội dung này. Vẫn để cho ngành Y tế hoặc chuyển về cho địa phương thì dứt khoát là phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thời điểm nào phê duyệt vaccine nội?
Liên quan đến mốc thời gian cụ thể để vaccine Việt Nam được phê duyệt và đưa vào sử dụng? Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc cấp phép sản xuất vaccine trong nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế đã cố gắng để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhưng về mặt khoa học thì phải tuân thủ.
Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng. Ông khẳng định thời gian qua các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo quy định.
“Bộ Y tế hy vọng sớm có vaccine từ Việt Nam để chủ động nguồn cung, song về mặt thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ hai hội đồng,” Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Mạnh dạn cho học sinh đến trường
Về thời điểm đến trường của học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức hội nghị với các địa phương, tinh thần là "các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học."
Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học nhưng cũng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo ông không nên đợi chờ vào vấn đề vaccine, bởi vì vaccine chúng ta chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Vì vậy, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khuyến cáo đối với các địa phương mạnh dạn đưa các cháu đi học và nhất là những vùng, xã, huyện ở cấp độ 1 và cấp độ 2.
Bộ trưởng Bộ Y tế nói, Nghị quyết 128 nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này. Vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.
Trong khi đó, về việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ trưởng cho biết trước mắt sẽ cho địa bàn trọng điểm trước và trong tháng 11/2021 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc. Còn về tiêm mũi 3, Bộ mới có kế hoạch, dự kiến thực hiện và cuối tháng 12/2021.
“Mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi,” lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh./.
Liên quan đến các giải pháp để giảm thiểu sự chênh lệch về chất lượng khám, chữa bệnh giữa vùng miền núi và đồng bằng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách cũng như đổi mới vấn đề về khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế sẽ tập trung tiếp tục cho việc hình thành những khu phức hợp y tế ở địa bàn trọng điểm, trên cơ sở đó chúng ta có sức cạnh tranh đối với các nước trên thế giới trong vấn đề khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng bệnh viện tuyến cuối, một số địa bàn theo cái khu vực địa lý. Hiện Bộ Y tế đang thực hiện chương trình cải cách, đổi mới đào tạo nhân lực, cơ bản theo hướng tiếp cận đối với mặt bằng chung của các nước trên thế giới. Đối với nhân lực ở những vùng khó khăn, Bộ Y tế đã có đề án trình Chính phủ, trong đó có đặt vấn đề về việc bảo đảm nâng cao số lượng cũng như chất lượng đào tạo nhân lực; tăng cường đầu tư y tế... |