Bộ Y tế: Dịch COVID-19 tại TPHCM về cơ bản đã được kiểm soát

Tính đến thời điểm sáng 15/2, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tương đối ổn định, cơ bản đã được kiểm soát với 35 ca bệnh được ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi cán bộ địa phương trong công tác chống dịch. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Sáng 15/2, Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã họp giao ban về các hoạt động đã được triển khai đồng thời đưa ra các phân tích, nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Dịch bệnh đã được kiểm soát

Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định Số 1173/QĐ-BYT do phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng. Dù mới được thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng các hoạt động chuyên môn, kiểm tra, hỗ trợ của Tổ thường trực đã được triển khai và mang đến nhiều kết quả trong việc phòng, chống COVID-19 cũng như góp phần đảm bảo người dân thành phố được an tâm đón Tết.

[Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 là F1 của người Nhật bị tử vong]

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt cho biết: “Tính đến thời điểm sáng 15/2, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tương đối ổn định, cơ bản đã được kiểm soát với 35 ca bệnh được ghi nhận.”

Về các nội dung công tác của Tổ thường trực đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ Tổ thường trực đã triển khai nhiều hoạt động, làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia, Ban chỉ đạo Thành phố, kiểm tra một số địa điểm… và quan trọng nhất là mở rộng hoạt động lấy mẫu xét nghiệm giám sát COVID-19 tại các địa điểm có nguy cơ cao như chợ, trung tâm thương mại, bến xe, nhà trọ…

Các đơn vị liên quan đã điều tra và truy tìm khởi nguồn của COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa trên mặt lý thuyết và cả các bằng chứng dịch tễ thực tiễn giúp thành phố dễ dàng hơn trong công tác truy vết, phòng, chống dịch bệnh.

Các đơn vị y tế đã triển khai rà soát cộng đồng với hơn 6.000 mẫu theo đúng tinh thần, phương châm thần tốc, không để chờ kết quả xét nghiệm qua ngày…

Giả thuyết lớn nhất từ chuyến bay vận chuyển hàng hóa

Thông tin thêm về tình hình dịch tễ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ phó Tổ thường trực đặc biệt cho biết tại Thành phố Hồ Chí Minh từ lúc phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính (bao gồm 01 trường hợp là bệnh nhân tại Bình Dương) với xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 10 ca tại sân bay Tân Sơn Nhất (08 ca là đội bóc xếp và 02 ca đội giám sát), 26 ca RT-PCR dương tính là người nhà của các nhân viên tổ bốc xếp, giám sát).

Đến nay, tổng số xét nghiệm đã thực hiện là hơn 40.000, các kết quả đều âm tính ngoại trừ 01 trường hợp là ca nhân viên nghỉ việc và người nhà (02 trường hợp bệnh nhân là mẹ con được phát hiện gần đây); 2.939 nhân viên y tế và bệnh nhân tại các bệnh viện liên quan cũng đã được lấy mẫu và có kết quả âm tính.

Phó giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Hệ thống giám sát các đối tượng nguy cơ, địa điểm nguy cơ cũng đã được triển khai thực hiện quyết liệt, thần tốc ngay từ 13h30 chiều 30 Tết và trong vòng 3 ngày với hơn 6.500 mẫu xét nghiệm đã được lấy tại các khu vực bến xe, chợ, nhà trọ, khu lưu trú công nhân. Tính đến sáng 15/2, các kết quả đều âm tính (còn một số mẫu chưa có kết quả).

Theo Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trước đó ngày 09/02/2021 (tức 29 Tết Âm lịch), ngay sau buổi làm việc đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt, kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm kháng thể của các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất đã được thực hiện và triển khai nhanh chóng. Ngay 14h00 gần 600 mẫu máu đã được lấy, kết quả xét nghiệm được đưa ra vào chiều tối cùng ngày với sự huy động tổng lực từ Viện Pasteur cũng như từ các đơn vị Viện, Bệnh viện…

Về công tác xác định nguồn lây nhiễm, Phó giáo sư Phan Trọng Lân cho biết nguồn lây xuất phát đầu tiên trong khoảng thời gian 16-17/01 với giả thuyết lớn nhất là xuất phát từ sân bay trên các chuyến bay vận chuyển hàng hóa (không chở hành khách và các nhân viên trong tổ bay không xuống mặt đất, chỉ ở trên máy bay nên không thực hiện các công tác cách ly, xét nghiệm).

“Dựa trên kết quả phân tích dịch tễ của biến thể A.23.1 trên thế giới thì trong số các chuyến bay đến trong khoảng thời gian nêu trên có các chuyến bay từ khu vực Arab có khả năng là nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào và đội bốc xếp đã bị lây nhiễm trong quá trình công tác. Nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh từ bên ngoài vào sân bay là không thể loại trừ, tuy nhiên giả định này thấp hơn,” Phó giáo sư Phan Trọng Lân phân tích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục