Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm khi tăng cường giãn cách xã hội

Trong thời gian qua, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 15/9, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 điện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Tại công điện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao, lây lan nhanh chóng (nồng độ virus trong dịch hầu họng gấp khoảng 1000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước).

[Đồng Tháp: 4 đơn vị cấp huyện tiếp tục giãn cách XH theo Chỉ thị 16]

Trong thời gian qua, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh.

"Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch nhất là vấn đề xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân," Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc các công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và tập trung một số nội dung để thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất…

Các địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội (sau đây gọi là giãn cách) phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Mục tiêu của thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày).

Bộ Y tế đánh giá việc thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời, có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR); đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần.

Các địa phương thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ; Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn. Đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Công điện của Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Các tỉnh/thành cần khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục