Bộ Y tế khuyến cáo không được sử dụng khí N2O với mục đích giải trí

Khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.

Trong công văn số 2954/BYT-KCB ngày 29/5/2019 của Bộ Y tế gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm phúc đáp Công văn số 5051/UBND-KGVX của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc khuyến cáo tác hại khí N2O và tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh, lưu hành khí N2O, Bộ Y tế khuyến cáo không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí.

Trong công văn này Bộ Y tế nêu rõ khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương quy định tại số thứ tự 120 Phụ lục số 02 Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

Như vậy, khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.

[Video] Đề xuất đưa bóng cười vào danh mục các chất ma túy

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 64 Luật hóa chất, Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 91/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BYT ngày 22/12/2017 về Danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng trong chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong Danh mục hóa chất ban hành kèm theo Thông tư số 47/2017/TT-BYT không có khí N2O. Hiện tại Bộ Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O.

Trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh và đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí này đối với sức khỏe con người.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 1650/Ủy ban Nhân dân-KGVX về việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan sử dụng, kinh doanh “bóng cười,” “shisha,” “cỏ Mỹ,”“tem giấy.”

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo 138 Thành phố và Ủy ban Nhân dân các huyện, quận, thị xã tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 26/5/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố về tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười,” “shisha,” “cỏ Mỹ,”‘‘tem giấy.”

Sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện, phân tích nguyên nhân tồn tại, đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục.

Sở Thông tin và Truyền thông nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của các cơ quan báo, đài Thành phố; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, về hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất kích thích, gây nghiện nói riêng; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng, tổ chức “bóng cười,” “shisha,” “cỏ Mỹ,” “tem giấy.”

Công an thành phố chỉ đạo Công an các đơn vị quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh khí N2O “bóng cười;” phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo tác hại về ma túy và các chất gây nghiện khác...

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh học sinh tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và các chất gây nghiện “núp bóng” các vỏ bọc, hình thức như: Tem giấy, bùa lưỡi, trà sữa, bánh quy và nghiêm cấm học sinh sử dụng các sản phẩm này; phối hợp với Công an cơ sở không để tình trạng hàng quán bán vỉa hè khu vực cổng trường...

Theo các chuyên gia, trong "bóng cười" hoàn toàn là khí Dinitơ monoxit - N2O. Hít bóng cười có thể gây chóng mặt nhanh chóng. Rủi ro khi sử dụng "bóng cười" có thể khác nhau, tùy thuộc vào cách sử dụng. Sử dụng "bóng cười" có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch và hệ thần kinh.

Sử dụng "bóng cười" thường xuyên có thể dẫn tới sự thiếu hụt vitamin B và thiếu máu trong cơ thể. Thiếu vitamin B có thể gây ngứa ran ở ngón tay, ngón chân kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày. Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn tới tê liệt và khó đi lại...

Sử dụng "bóng cười" với số lượng lớn và thường xuyên sẽ tổn hại thần kinh nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục