Ngày 2/3, tại Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và triển khai kế hoạch tinh giản biên chế theo quy định của Luật viên chức 2010 trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào ASEAN.
Chuẩn hóa đội ngũ viên chức chuyên môn y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, việc ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế tạo sự đồng thuận trong viên chức ngành y tế, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm chuẩn hóa đội ngũ viên chức chuyên môn y tế.
Bộ Y tế - Bộ Nội vụ đã ban hành hai chức danh nghề nghiệp mới, đó là chức danh nghề nghiệp bác sỹ y học dự phòng và chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng, nhằm nâng cao và phát triển nhân lực trong lĩnh vực y học dự phòng và dinh dưỡng, đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh góp phần hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, đến thời điểm này, các văn bản đều đã có hiệu lực thi hành. Các đơn vị trung ương và sở y tế một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện thông tư liên tịch.
Trong quá trình tiến hành lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và nảy sinh một số vướng mắc trong quá trình chuyển xếp lương hay một số vị trí việc làm mà nhiệm vụ chưa rạch ròi giữa bác sỹ hay bác sỹ y học dự phòng. Ngoài ra còn một số khó khăn vướng mắc trong quá trình xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Việc Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản quy định về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và kế hoạch tinh giản biên chế đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, nhằm thống nhất trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới về chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế và kế hoạch tinh giản biên chế là cần thiết để giúp các đơn vị thống nhất trong việc xếp lương khi bổ nhiệm và chức danh nghề nghiệp; đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong việc đào tạo chuẩn hóa đội ngũ viên chức đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của chức danh nghề nghiệp đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược.
Bên cạnh đó các cơ cở đào tạo y-dược cũng cần có kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế và xã hội.
Thống nhất quản lý theo hạng chức danh nghề nghiệp
Chức danh nghề nghiệp viên chức được xây dựng thống nhất về trình độ đào tạo giữa các hạng của chức danh nghề nghiệp tạo sự thống nhất trong quản lý viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc phân cấp thẩm quyền quản lý.
Đối với chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV quy định trình độ trung cấp, nhưng để hội nhập các nước ASEAN, từ ngày 1/1/2021, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược phải là trình độ cao đẳng.
Theo đó, từ ngày 1/1/2021 chỉ tuyển viên chức có trình độ cao đẳng; từ 1/1/2025, số viên chức đã tuyển có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng, đến lúc đó không còn chức danh trình độ trung cấp nữa.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác, việc chuẩn hóa trình độ đào tạo chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV là vô cùng quan trọng bởi ngành y là ngành đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, đòi hỏi mỗi cán bộ ngành y phải có trình độ cao, chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV dều ở trình độ cao đẳng, nên việc thay đổi là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.
Vấn đề đặt ra đối với các đơn vị sự nghiệp y tế cần phải có kế hoạch đào tạo, để viên chức đã tuyển dụng được chuẩn hóa đạt trình độ cao đẳng.
Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch tổ chức, đào tạo từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng và chuẩn bị cho việc từ năm 2021 các đơn vị sự nghiệp không tuyển viên chức trình độ trung cấp.
Hiện tại có 40 trường đại học, 68 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp đạo tạo nhân lực y tế. Việc ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế tạo sự đồng thuận trong viên chức y tế, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm chuẩn hóa đội ngũ viên chức chuyên môn y tế, đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tinh giản tối thiểu 10% biên chế được giao
Ngày 20/11/2014, Chính phủ đã ban hành nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sáh tinh giản biên chế và Thông tư số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác tinh giản biên chế, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-BYT ngày 14/1/2016 về thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhằm thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Bộ Y tế đã yêu cầu từng vụ, cục, tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 6 năm (2016-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế đã được giao.
Mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số biên chế công chức do giảm biên chế và giảm tự nhiên do nghỉ hưu, thôi việc.
Bộ Y tế cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ và thay thế nguồn trả lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước cấp bằng việc trả lương tư nguồn thu sự nghiệp.
Hiện nay, toàn quốc đã có 9/37 đơn vị khám, chữa bệnh chiếm 24% số đơn vị tự chủ kinh phí và chiếm khoảng 37% số viên chức đã được trả lương, phụ cấp và các khoản chi phí theo lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Ngành phấn dấu đến năm 2020 có 18-20/37 đơn vị tự chủ, khoảng 50% số đơn vị thay thế nguồn trả lương, phụ cấp cho viên chức bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp...
Tinh giản biên chế không phải là “cắt” đi mà là sắp xếp lại cho hợp lý làm sao để cán bộ ngành y được “tinh” nhất nhằm mục tiêu phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác khẳng định./.