BoJ dự báo kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi "vừa phải"

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện hành và đánh giá nền kinh tế đang phục hồi vừa phải.
BoJ dự báo kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi "vừa phải" ảnh 1Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại một cửa hàng ở thủ đô Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo thông báo sau cuộc họp hai ngày 16-17/3, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ- Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện hành và đánh giá nền kinh tế đang phục hồi vừa phải, trong khi giá dầu giảm đang ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2%.

Hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cam kết tiếp tục chính sách tăng cơ sở tiền tệ hàng năm là 80.000 tỷ yen (659 tỷ USD) thông qua việc mua trái phiếu với quy mô lớn.

Ngân hàng này đánh giá đánh giá nền kinh tế Nhật Bản đang tiếp tục phục hồi và giữ nguyên đánh giá về tất cả các hoạt động như xuất khẩu, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp.

BoJ dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể là 0% trong những tháng tới, do ảnh hưởng của việc giá dầu giảm.

Trong khi đó, tại cuộc họp trước đó vào tháng 2/2015, ngân hàng này nhận định chỉ số giá tiêu dùng có thể sẽ tăng chậm.

Nhưng dù điều chỉnh dự báo về giá cả, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn giữ quan điểm rằng sự phục hồi ổn định của nền kinh tế sẽ giúp đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong tài khóa 2015 (bắt đầu từ tháng Tư) mà không cần nới lỏng hơn nữa và ngay lập tức chính sách tiền tệ.

Ngân hàng này trông đợi vào việc nhiều công ty lớn tăng lương cho người lao động sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.

Do giá dầu giảm, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 1/2015 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu không tính đến tác động của việc tăng thuế tiêu dùng từ tháng 4/2014, thấp hơn so với mức tăng trong tháng 12/2014 là 0,5% và là thấp nhất kể từ tháng 5/2013.

Kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi suy thoái vào quý 4/2014, với mức tăng trưởng 0,4% so với quý trước đó, nhờ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phục hồi.

Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng vẫn thấp do người tiêu dùng còn hạn chế chi tiêu sau khi thuế tiêu dùng tăng và chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn vì đồng yen xuống giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.