Brazil đạt thặng dư thương mại gần 5 tỷ USD trong tháng 9

Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Brazil cho biết thặng dư thương mại nước này đạt trên 4,97 tỷ USD trong tháng 9/2018, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Brazil đạt thặng dư thương mại gần 5 tỷ USD trong tháng 9 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theneweconomy.com)

Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Brazil (MDIC) ngày 1/10 cho biết thặng dư thương mại nước này đạt trên 4,97 tỷ USD trong tháng 9/2018, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của MDIC, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Brazil trong tháng trước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9/2017. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu là 14,1 tỷ USD, tăng 10,2%.

Trong các tháng 1-9/2018, Brazil đạt thặng dư thương mại hơn 42,6 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2017. Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đã xuất siêu 67 tỷ USD năm ngoái, nhờ sản lượng ngũ cốc đạt kỷ lục và giá nguyên liệu thô tăng.

[Tổng thống Brazil tuyên bố thoát nợ và vượt qua suy thoái]

Năm nay, MDIC kỳ vọng quốc gia Nam Mỹ này sẽ thặng dư thương mại 50 tỷ USD, nhờ giá các mặt hàng ổn định và nền kinh tế phục hồi. Trong số hàng hóa của Brazil xuất ra thị trường nước ngoài trong tháng Chín vừa qua, kim ngạch bán dầu thô, đậu tương và thịt bò đạt mức tăng cao nhất (21,1%), các mặt hàng bán thành phẩm tăng 3%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chế tạo, gồm ôtô chở hàng và xe khách của Brazil ra các nước sụt giảm 4,2%.

Trong khi đó, hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu và dầu nhờn của nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh tăng 24,7%, hàng hóa trung gian tăng 10% và hàng tiêu dùng tăng 1,1%.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Brazil, với kim ngạch trong tháng 9/2018 đạt hơn 5,1 tỷ USD. Tiếp đến là Mỹ (2,6 tỷ USD), Argentina (927 triệu USD), Hà Lan (682 triệu USD) và Chile (605 triệu USD).

Brazil là một trong những quốc gia xuất khẩu đậu tương, ngô, quặng sắt, thịt bò, thịt gia cầm hàng đầu thế giới. Sản xuất ôtô, phụ tùng ôtô và mía đường là những ngành công nghiệp chính của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.