Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Brazil Roberto Campos Neto ngày 27/6 cho biết nước này đã trải qua giai đoạn lạm phát trầm trọng nhất.
Ông Campos Neto đưa ra nhận định này tại Diễn đàn Pháp lý lần thứ 10 tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Tại sự kiện trên, ông Campos Neto đã nhắc lại tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế nước này Paulo Guedes rằng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Brazil, thước đo lạm phát chính thức, đã bắt đầu giảm.
[Lạm phát tại các nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đã "chạm đỉnh"?]
Trong 12 tháng kết thúc vào tháng Năm vừa qua, lạm phát của Brazil đã tăng lên 11,73%, trong khi Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tỷ lệ này sẽ đạt 8,8% trong năm 2022, cao hơn mức mục tiêu là 3,5%.
Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất cơ bản lên mức 13,25% vào giữa tháng Sáu này và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Chính sách tiền tệ.
Theo ông Campos Neto, cần phải phân tích tác động của các chính sách thắt chặt tiền tệ của nền kinh tế toàn cầu và quan trọng nhất là để biết liệu có phải là suy thoái toàn cầu hay không.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng việc các nước tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn.
Ông Eric Dor, người đứng đầu chuyên ngành kinh tế thuộc Trường Quản trị IESEG của Pháp, cho rằng biện pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát không được hoan nghênh tại các nước đang gặp nhiều khó khăn như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina hoặc Sri Lanka bởi nó sẽ khiến giá cả mọi hàng hóa leo thang.
Điều này càng gây thêm khó khăn cho các nước đang vay nợ nước ngoài, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế và gián đoạn thị trường ở các nước này./.