Bùi Công Duy: “Tôi thích ‘Hồ Thiên Nga’ bản cổ điển, vì xem…. phê hơn”

Tôi vẫn thích cảm giác xem trong nhà hát, nghe nhạc sống, sân khấu nhiều phông màn, cầu kỳ, tỉ mỉ. Nó khiến tôi được sống lại cảm giác tuổi thơ, lần xem đầu tiên. Tuy xem phải nghĩ, nhưng... phê hơn.
Bùi Công Duy: “Tôi thích ‘Hồ Thiên Nga’ bản cổ điển, vì xem…. phê hơn” ảnh 1Nghệ sỹ Bùi Công Duy- Giám đốc nghệ thuật của vở diễn 'Hồ Thiên Nga' đêm 1/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: BTC)

Trong thử thách mới là giám đốc nghệ thuật của buổi diễn ballet trứ danh "Hồ Thiên Nga" tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội (đêm 1/8), nghệ sỹ Bùi Công Duy đã dành cho VietnamPlus cuộc trò chuyện, bộc lộ góc nhìn cá nhân anh về sự cách tân đối với những tác phẩm nghệ thuật kinh điển.

Giới xem ballet cổ điển sẽ thấy lạ

- Sau một quãng thời gian đàm phán vất vả và bền bỉ, cuối cùng vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” (The Swan Lake) theo “phiên bản hiện đại” trong âm nhạc đồ họa 3D của nhà hát “Talarium et lux" sẽ ra mắt công chúng Hà Nội vào tối ngày 1/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Thử thách lần này của anh trong cương vị giám đốc nghệ thuật hẳn là rất mới?

Bùi Công Duy: Tôi hồi hộp hơn cả khán giả. May thay, tôi đã được nhìn thấy trước sự hồi hộp của mình khi xem “Hồ Thiên Nga” theo “phiên bản hiện đại” trong âm nhạc đồ họa 3D của nhà hát “Talarium et lux" tại Trung Quốc. Nhìn dưới góc độ nào, sự cách tân của vở diễn này cũng gây chú ý nhất định.

Giới xem ballet cổ điển, sẽ tò mò “Hồ Thiên Nga”  theo “phiên bản hiện đại” trong âm nhạc đồ họa 3D sẽ như thế nào? Và những người chưa xem ballet bao giờ chắc chắn sẽ thấy thích thú. Điều khiến tôi không quá lo lắng, bởi về góc độ nghệ thuật và âm nhạc, đây là vở dễ xem, hướng đến đại chúng.

- Như anh nói, ballet dễ xem hơn nhạc giao hưởng, opera, nhưng để làm nên một vở ballet yêu cầu rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất chính là phần nhạc giao hưởng được diễn sống; không gian nhà hát được vẽ, thiết kế riêng bằng tay và nghệ thuật trình diễn của các vũ công. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, “Hồ Thiên Nga” lại diễn trên dàn nhạc thu sẵn, sân khấu dàn dựng hiệu ứng 3D. Sự khuyết thiếu này, theo anh có ảnh hưởng tới chất lượng vở diễn không?

Bùi Công Duy: Có thể, giới ballet cổ điển họ sẽ thấy lạ. “Hồ Thiên Nga” phiên bản 3D mang hiệu ứng giải trí nhiều hơn và hướng tới giới trẻ. Nghệ thuật múa vẫn được giữ nguyên theo phong cách cổ điển. Nhà hát chỉ tối giản về sự cầu kỳ của sân khấu, đạo cụ, sử dụng công nghệ, hình ảnh 3D nhiều hơn.

Tất nhiên, những màn hình hiệu ứng 3D, rực rỡ hơn, sẽ khó hơn cho nghệ sỹ vì họ không phải trung tâm trên sân khấu mà sẽ hòa vào trong toàn bộ tổng thể.

Chính bản thân tôi cũng từng băn khoăn với câu hỏi đó, liệu có hay không? Nhưng khi xem vở diễn này theo phiên bản 3D tại Trung Quốc, họ diễn tận 20 buổi, 2 xuất mỗi ngày mà bán sạch vé.  Khán giả đi xem, chủ yếu là trẻ con. Tôi nghĩ rằng, họ đã thành công trong việc mở rộng phân khúc thị trường. Điều đó, tôi cho rằng là cần thiết với nghệ thuật.

- Nhưng tôi vẫn lăn tăn một nỗi, rằng đối tượng công chúng xem ballet ở Việt Nam, lại không phải là giới trẻ, mà đa phần là lớn tuổi. Đặc biệt là khán giả đã từng học và làm việc ở Nga. Họ sẽ tiếp nhận hay cho rằng “Hồ Thiên Nga” kinh điển đang bị “phá”? Chúng ta cũng biết, đó là những người kỹ tính, sống thiên về hoài niệm những giá trị cổ điển, rất Nga…

Bùi Công Duy:
Cũng rất khó để nói. Tôi cũng chưa chắc lắm. Tôi nghĩ, văn hóa người Việt trong nghệ thuật nói chung bị ảnh hưởng  bởi nước Nga rất sâu. Là một người hoạt động nghệ thuật, tôi phải nói thật, khán giả Việt Nam rất khó chiều. Họ rất tinh, nhạy bén trong thưởng thức.

Tất nhiên là, theo quan điểm của tôi, những công chúng mộ điệu, họ sẽ chưa thể quen và thích ngay. Nhưng họ sẽ vẫn tìm thấy những gì họ cần xem mà không bị các hiệu ứng giải trí làm mất tập trung. Đó chính là nghệ thuật múa ballet cổ điển. Ngược lại, khán giả mới làm quen với nghệ thuật ballet, có thể sẽ bị hút  bởi những hiệu ứng giải trí, 3D mà bỏ qua mất những tinh hoa của vở diễn.

Trong một góc độ nào đó, với nghệ thuật “phá” để phát triển, ra tầm đại chúng, đặc biệt hướng đến trẻ em là cần thiết.


- Đến mức thay thế cả cái kết trong nguyên tác thành “có hậu” ư? Bởi, tôi nghĩ rằng, giá trị làm nên sự kinh điển của vở diễn, hơn tất cả mọi điều hoan hỉ, chính là câu chuyện bi kịch lãng mạn về tình yêu khiến biết bao thế hệ khán giả trên toàn thế giới phải day dứt, khắc khoải, tiếc nuối khi nghĩ về những nàng thiên nga sau 140 năm không nghỉ…

Bùi Công Duy: “Tôi thích ‘Hồ Thiên Nga’ bản cổ điển, vì xem…. phê hơn” ảnh 2Hình ảnh 'Hồ thiên nga' trong kỹ thuật đồ họa 3D. (Ảnh: BTC)

Bùi Công Duy: Cũng dễ hiểu thôi, khi họ hướng đến giới trẻ, mà người trẻ thì luôn nghĩ đến màu hồng và những điều tươi sáng. Bản thân tôi, vẫn thấy cái kết nguyên bản, để lại suy tư nhiều hơn. Bi kịch thường được nhớ lâu hơn. Nhưng những gì đẹp thì thường không hiện thực (cười). Mỗi nhà hát có một kịch bản riêng, mình không có lựa chọn hay thay đổi được.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này. Đầu tiên là mình làm cho mình. Mình không phải bay sang Nga xem lại. Gia đình, bạn bè được xem dễ dàng hơn. Thứ nữa, ít nhất sẽ khoảng vài nghìn người Việt Nam được biết tới “Hồ Thiên Nga,” biết đâu, nước mình lại có thêm một vài tài năng trẻ về ballet, sau khi xem vở diễn này,  hoặc thêm vài ​người học nhạc cổ điển sẽ có khát vọng mới về đỉnh cao Tchaikovsky.

"Ai yêu, đói nghệ thuật?" Bỏ tiền ra biết ngay!

- Thực ra, tôi cũng không phủ nhận điều đó. Có, dẫu sao vẫn còn hơn không. Chỉ là, với người kinh doanh nghệ thuật, chắc chắn phải có lãi và gắn với thương hiệu của doanh nghiệp. Liệu sẽ có bao nhiêu chiếc vé đến đúng tay người thưởng thức thực sự bằng đường bỏ tiền ra mua?

Bùi Công Duy: Cái dở của công chúng Việt Nam là rất nhanh chán, nửa vời. Đã vậy, khán giả Việt Nam chỉ ưa tặng vé, chưa có văn hóa bỏ tiền ra mua để thưởng thức nghệ thuật. Nghệ thuật không thể cho không.

Có thể không cháy vé, nhưng là những người bỏ tiền mua vé đến xem, nghệ thuật mới có những công chúng thật sự đúng nghĩa. Đó chính thước đo, theo tôi là chính xác nhất.

Ai yêu nghệ thuật? Ai “đói” nghệ thuật? Bỏ tiền ra biết ngay. Bởi vẫn luôn tồn tại những “trưởng giả” đi xem nghệ thuật để làm sang, về "chém" ta đây lắm! (cười)

- Những giá trị đã trở thành kinh điển trong các lĩnh vực nghệ thuật, có nên “bảo thủ” để giữ được nguyên tác và việc cách tân nó, có được xem là “cuộc cách mạng” như trường hợp “Hồ Thiên Nga” theo phiên bản 3D đang được truyền thông ca ngợi hay không?

Bùi Công Duy: “Tôi thích ‘Hồ Thiên Nga’ bản cổ điển, vì xem…. phê hơn” ảnh 3Để đưa được 'Hồ Thiên Nga' cùng hơn 100 nghệ sỹ ballet về Việt Nam, nhà tổ chức đã mất hơn hai năm đàm phán và tốn hàng triệu USD... (Ảnh: BTC)

Bùi Công Duy: Cách mạng hay không, chúng ta nói sau. Tôi đặt ra giả thuyết, trong đêm diễn tối 1/8 tới đây, liệu có bao nhiêu người biết rõ và thậm hiểu câu chuyện nguyên tác của vở diễn? Tôi nghĩ lạc quan thì 30%. Thực ra, việc thay đổi nguyên tác trong nghệ thuật, đôi khi, có thể được.

Về vở diễn này, cá nhân tôi không thấy có vấn đề gì. Nhà hát rất can đảm đấy, nhất lại là ở Nga, vì dám động vào những giá trị đã trở thành chuẩn mực. Quan trọng là họ vẫn sống được và có khán giả.  Ballet dễ hay lắm, vì nó đẹp, nghe nhạc đã thích rồi.

Về khía cạnh giải trí, đôi khi, cái kết có hậu lại làm cho người xem cảm thấy hợp lý, thích thú và ngọt ngào.

Vì vậy, cũng có thể nói sự cách tân này là cuộc cách mạng, Bởi nó có tính đột phá. Nó dám thách thức, đương đầu với những chỉ trích. Tôi nhớ ai đó đã nói, câu này, “chúng ta không sợ sai, chỉ sợ không làm gì thôi,” trong nghệ thuật sự vận động là cần thiết.

- Hỏi riêng anh nhé, là một trong ít người đã xem cả hai phiên bản, anh thích “Hồ Thiên Nga” cũ hay mới?

Bùi Công Duy: Tôi thích phiên bản cổ điển. Tôi vẫn thích cảm giác khi xem trong nhà hát, được nghe nhạc sống, sử dụng nhiều phông màn, cầu kỳ, rườm rà, tỉ mỉ vì tôi được sống lại cảm giác của tuổi thơ khi xem lần đầu tiên. Xem phải nghĩ, nhưng lại rất phê (cười).

Nhưng nói thế, không có nghĩa cái mới không thú vị. Với ưu điểm nhanh, gọn, concept rõ ràng, dễ hiểu, phiên bản 3D này nó “vừa miếng” với đại chúng khán giả Việt Nam hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục