Bún hay sườn non đều là những nguyên liệu thông dụng để chế biến các món ăn, ở đây, sự đặc biệt của món ăn nằm ở chính nấm tràm.
Loại nấm này có nhiều ở một số tỉnh miền Trung và ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nấm tràm thường mọc trên sườn các gò đồi hay ven các con suối, trên lớp lá mục dưới tán rừng tràm, rừng bổi hay rừng bạch đàn - là những loại cây có tinh dầu rất thơm. Hàng năm, có hai đợt hái nấm vào tháng Tư và tháng Bảy Âm lịch. Mỗi đợt nấm tràm ra chỉ trong vòng một tuần lễ, bởi nấm tràm mọc rất nhanh nhưng cũng chóng tàn.
Bún tươi nhúng với nước sôi cho mềm. Sườn non chặt khúc vừa ăn, thêm cả mọc được trộn đều từ thịt lợn xay, giò sống, tôm sú đập dập, nấm mèo, bún tàu… Tất cả đem luộc chín.
Quan trọng nhất là việc sơ chế nấm tràm vì có lẽ đây là thứ nấm duy nhất phải gọt sạch vỏ để nấu nướng, công đoạn này thường tốn khá nhiều thời gian từ ngâm nước đến chà sạch nhiều lần trong nước.
Nước dùng cho món bún nấm tràm sườn non cũng khác với các món có nước dùng khác chính bởi nấm tràm. Sau khi ninh xương lợn nêm gia vị vừa ăn tiếp tục cho nấm tràm vào nấu. Nấu đến khi nước dùng có màu nâu là được. Chan nước dùng nấm tràm đặc biệt có màu nâu này vào bát bún có sẵn sườn non, mọc là sẽ có món bún nấm tràm sườn non thơm ngon, hấp dẫn dùng được ngay. Đưa một gắp bún rồi húp miếng nước dùng ta sẽ cảm nhận được ngay vị đắng thanh đặc trưng của nấm tràm, kèm với vị ngon ngọt của xương lợn, giòn sần sật của sườn, vị thơm của rau…
Cùng với bún nấm tràm sườn non, các món ăn nấu từ nấm tràm đều có vị đắng đặc trưng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc… Mới ăn lần đầu vị đắng có thể gây khó ăn, nhưng khi đã ăn quen lại thấy nấm béo, giòn, nhiều khi còn “ghiền”. Đặc biệt, sau khi ăn xong, uống nước sẽ cảm nhận vị the the ở đầu lưỡi, chỉ một lúc sau lại cảm thấy có vị ngọt hậu rất dễ chịu…/.