Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông

Buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, là một trong những buôn làng hiếm hoi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của Tây Nguyên.

Về với buôn M’Liêng bên bờ Hồ Lắk, ta có thể cảm nhận được một Tây Nguyên hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông.

M’Liêng là một buôn đẹp có quy mô lớn còn giữ được nét cư trú truyền thống của người M’nông giao thoa với người Êđê. Khu nhà ở là những nhà sàn dài được phân bố tập trung, trên một khu đất rộng, xung quanh được rào kỹ bằng các bụi tre lớn, có rừng thiên nhiên, đầm lầy trồng cói, cánh đồng, ruộng nước, cây cổ thụ lâu năm, bến nước truyền thống.

Người dân trong buôn vẫn làm các nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, lối sống tiêu biểu của vùng đầm lầy trên cao nguyên Đăk Lắk. Trải qua nhiều biến động, bây giờ trong buôn không còn nhà nào có voi, nhưng không gian riêng của buôn với những con suối, sông, bến nước, bến voi vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

[Kon Tum: Phát triển làng du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện Đăk Hà]

Các lễ hội văn hóa dân gian hàng năm đã phản ánh đầy đủ văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa sử thi, văn hóa ẩm thực phong phú đa dạng, phù hợp với các tiêu chí bảo tồn, phát huy buôn văn hóa truyền thống.

Rất nhiều gia đình còn giữ được ghế Kpan - là nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội của người M’nông - với chiều dài hơn 20m, lòng ghế rộng hơn 1m; cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ, trống làm bằng da hai con trâu lớn, trống da voi còn được lưu giữ.

Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 1Những cánh đồng tuyệt đẹp trải dài đường vào buôn M’Liêng.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 2Những nếp nhà sàn dài truyền thống của người M’nông ở buôn M’Liêng.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 3Chiếc cầu thang gỗ dẫn lên nhà sàn.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 4Những chiếc cột, kèo bằng tre trên mái là của nhà sàn truyền thống của người M’nông.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 5Một nếp nhà sàn gần như vẫn giữ nguyên vẹn được những nét cổ xưa như mái bằng lá, vách bằng phên liếp…
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 6Những thanh gỗ xù xì được dùng làm viền bao quanh nhà sàn.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 7Những cây đa cổ thụ được người dân buôn M’Liêng coi như vật thiêng. Mỗi lần trong buôn có lễ hội hay gia đình nào có việc quan trọng, già làng, trưởng buôn và người chủ hộ đều mua lễ ra cúng cây cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống buôn làng ấm no, hạnh phúc.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 8Người dân M’nông ở buôn vẫn chủ yếu sinh sống trong những nếp nhà sàn truyền thống.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 9Do địa thế gần hồ Lắk nên người dân nơi đây còn có nghề chài lưới.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 10Cậu bé M’nông hết giờ học trông em cho bố mẹ đi rẫy.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 11Buôn M’liêng có 8 bộ chiêng cổ có độ tuổi từ 100-200 năm.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 12Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắc Lắk cũng tổ chức các lớp nghiệp vụ về gìn giữ cồng chiêng, bảo tồn dân ca, sưu tầm chuyện cổ đồng bào M’nông và xây dựng đội văn nghệ dân gian cho buôn.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 13Nhờ vậy, đến nay buôn M’Liêng đã có 3 đội cồng chiêng (1 đội truyền thống, 2 đội trẻ) và một đội văn nghệ thiếu nhi.
Buôn cổ M’liêng - nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc M’nông ảnh 14Vẻ hoang sơ của buôn M’Liêng thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài ưa khám phá văn hóa bản địa của Tây Nguyên.

Buôn M’Liêng có 106 hộ, 560 khẩu trong đó, đồng bào M’nông Rlăm có 103 hộ. Buôn M’Liêng nằm trong tuyến du lịch hồ Lăk, một di tích danh lam thắng cảnh được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong vùng danh thắng hồ Lăk còn có ngôi nhà nghỉ chân mỗi khi đi săn voi của Vua Bảo Đại toạ lạc dưới những cây Kơnia cổ thụ, hùng vĩ trên đỉnh núi. Dưới chân núi là buôn Jun, một buôn du lịch đã được ngành Du lịch tỉnh đầu tư cùng với các điểm du lịch khác trong tỉnh như: Buôn Đôn, Krông Bông, Krông Ân, Cư’gar...

Đặc biệt, trong M’Liêng làng còn nhiều nhà giữ được chiêng cổ, trống da trâu, ché cổ, ghế K’pan…; Điển hình như gia đình ông Y Dlum Teh (86 tuổi) còn giữ được bộ chiêng cổ. Trong các dịp lễ hội trong buôn hay các ngày lễ quan trọng của người thân trong gia đình, ông lại mang bộ chiêng ra diễn tấu phục vụ bà con. Với ông, chiêng là vật thiêng bao đời của các thế hệ trong gia đình, do đó ông luôn dặn dò con cháu phải lưu giữ cẩn thận, tuyệt đối không được bán đi.

Ngoài bộ chiêng cổ của gia đình ông Y Dlum còn có tám bộ chiêng cổ có độ tuổi từ 100-200 năm. Năm 2011, buôn M’Liêng là một trong sáu buôn của huyện Lăk được Sở văn hóa Thể thao và Du lịch cấp một bộ chiêng và được chọn để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng.

Năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng 10 buôn làng truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk trong đó có buôn M’Liêng nhằm phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.