Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, theo ghi nhận ban đầu, hành khách vẫn tăng, ngay cả sau khi bán vé. Không những thế, lượng hành khách đi lại thường xuyên còn tăng nhiều hơn. Đặc biệt, là tỉ lệ vé tháng cao lên đáng kể, xấp xỉ với vé ngày. Theo dự đoán, sản lượng của BRT vẫn còn có thể cán mốc cao hơn.
“Nhiều người dân đã lựa chọn di chuyển bằng xe buýt thay vì phương tiện cá nhân. Nhìn chung, BRT đã được nhiều người ghi nhận, bước đầu đạt được mục tiêu đặt ra: Thu hút người dân sử dụng dịch vụ công cộng; từng bước giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân trên hàng lang BRT đang hoạt động,” ông Hải đánh giá.
Trong suốt thời gian vận hành BRT, theo ông Hải, hiện tường ùn tắc giảm đáng kể và không còn kéo dài như trước đây, từng bước hình thành một trật tự giao thông mới trên hành lang này: Có sự phân tách rõ ràng giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân; các thành phần giao thông các nhân đi lại ngày càng trật tự: có ý thức xếp hàng, có ý thức tôn trọng làn đường riêng,…
“Điều này có nghĩa là người dân đang dần làm quen với việc tham gia vận tải công cộng, ý thức được cải thiện rõ rệt từng ngày,” vị Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định.
Nhấn mạnh tuyến BRT 01 là 1 tuyến thí điểm tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Hải cho rằng đây chính là cơ sở để đánh giá, triển khai những tuyến tiếp theo về cách lựa chọn hành lang vận hàng; tổ chức giao thông trên tuyến; lựa chọn dịch vụ, tần suất biểu đồ; lựa chọn cấu hình phương tiện,… Nhưng rõ ràng điều quyết định cơ bản để triển khai tuyến tiếp theo là làn đường ưu tiên; phương tiện tiên tiến, thân thiện; dịch vụ hấp dẫn. Đó chính là những yếu tố tiên quyết.
Theo dự đoán của ông Hải, buýt nhanh BRT sẽ giữ vai trò "xương sống" của giao thông tới năm 2025-2030 khi Việt Nam có một hệ thống đường sắt tương đối hoàn chỉnh./.