Chiều 2/10, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau tổ chức đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, bài bản, căn cơ hơn nữa; có sự phân công, hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trên địa bàn; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường phối hợp, hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương trong và ngoài huyện; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, ấp.
Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có từ 41 xã, đạt 50% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện theo kế hoạch.
Xã Hồ Thị Kỷ trước đây là xã Tân Lợi, thuộc huyện Thới Bình, là xã có bề dày truyền thống văn hóa-lịch sử, truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân."
Xã Hồ Thị Kỷ nằm trong vùng kinh tế đang phát triển, phía Đông giáp thành phố Cà Mau, phía Tây giáp Khu công nghiệp Khí-Điện-Đạm Khánh An, đồng thời tiếp giáp với các tuyến vận tải đường thủy lớn như tuyến sông Trèm Trẹm, tuyến sông Ông Đốc và tuyến sông Tắc Thủ nên có lợi thế cho phát triển thương mại và dịch vụ.
Bên cạnh đó, xã nằm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, đây là hai tuyến đường huyết mạch nối liền xã với huyện, tỉnh, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa người dân địa phương với các xã, huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn, từ đó đời sống người dân ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
Phát huy những lợi thế của mình, Ban Chỉ đạo xã, Ủy ban Nhân dân xã xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là công tác trọng tâm trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Từ đó, Đảng bộ, chính quyền xã luôn tập trung tuyên truyền, phát động người dân tăng gia sản xuất, phát triển, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả gắn với kinh tế hợp tác, khuyến khích tham gia tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã để có sự liên kết chặt chẽ, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo được phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
[Cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 'Lúa sinh thái Cà Mau']
Từ năm 2010, xã Hồ Thị Kỷ được ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ thực hiện các đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp như: đào tạo nghề, kết hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Thới Bình mở lớp trồng nấm rơm; hỗ trợ phát triển sản xuất lúa chất lượng cao; nuôi tôm quảng canh cải tiến; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo...
Xã đã triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như cánh đồng mẫu lớn, mô hình lúa-tôm càng xanh, nuôi cá chình, cá bống tượng, rau màu... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ như giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, tin học... không ngừng phát triển.
Nhờ giao thông thuận lợi, địa phương có chính sách gợi mở, trên 50 doanh nghiệp lớn, nhỏ đã đầu tư sản xuất trên địa bàn, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, nuôi thủy sản đạt năng suất nên thu nhập bình quân đầu người được nâng cao.
Cuối năm 2019, bình quân thu nhập đầu người là 45,86 triệu đồng, đến thời điểm này đã hơn 51,6 triệu đồng.
Đáng phấn khởi là công tác giảm nghèo hiệu quả, bằng những việc làm cụ thể như: chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp xã đến gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với hộ nghèo, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của hộ nghèo để có giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ, động viên hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả…
Từ đó, thu nhập của hộ nghèo được nâng lên đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Xã hiện chỉ còn 97/5.362 hộ nghèo, chiếm 1,8% (giảm 0,72% so với năm 2018); 103 hộ cận nghèo, chiếm 2,10%.
Để duy trì nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn (2018-2022), xã Hồ Thị Kỷ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông thôn, chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối hiện đại, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, ổn định trật tự xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc...
Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế chính sách và nhân rộng mô hình phát triển nông thôn mới cho các xã khác trong huyện./.