Cả năm 2023 CPI tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng-giảm đan xen. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% đồng thời lạm phát cơ bản tăng 4,16%.

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12 tăng 3,58% so với tháng 12/2022. (Ảnh: Vietnam+)
Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12 tăng 3,58% so với tháng 12/2022. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng này tăng 3,58%. Theo đó, CPI cả năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022 và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Giá tiêu dùng thiết yếu tăng

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng là bởi một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế (theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT) và tăng học phí (theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP). Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trên thị trường, giá gạo tiếp tục đà tăng theo giá xuất khẩu.

Năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Lạm phát toàn cầu từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm.

Nhưng so với mục tiêu dài hạn, theo bà Oanh, lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 11 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25%-5,5% trong nhiều tháng liên tiếp nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Cũng trong tháng 12, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tại châu Á, lạm phát của Lào tăng 25,24%, Ấn Độ tăng 5,55%; Philippines tăng 4,1%, Hàn Quốc tăng 3,3%, Indonesia tăng 2,86%. Và, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12 tăng 3,58% so với tháng 12/2022.

Điều hành sát sao

Bà Oanh nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, nhiều giải pháp được tích cực triển khai như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối. Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy cùng với đó các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đồng loạt triển khai. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm, giảm thuế, gia hạn Visa cho khách du lịch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn-vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã được thực hiện đồng bộ.

z4437812441493-5dc64cf8217c0bf8ff8ecb568189645a-1-6740.jpg
Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng-giảm đan xen. (Ảnh: Vietnam+)

“Nhờ vậy, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng-giảm đan xen. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,16%,” bà Oanh cho biết.

Phân tích kỹ hơn, bà Oanh chỉ ra so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm dần, từ tháng Bảy theo xu hướng tăng trở lại. Diễn biến trong năm 2023, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2% và đến tháng 12 tăng 3,58%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục lao dốc, từ mức giảm 7,08% trong tháng Một đã tụt mạnh 31,73% trong tháng Sáu. Sau đó, mức giảm thấp dần và đến tháng 12 giá xăng dầu bắt đầu tăng trở lại 2,03% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, giá tại nhóm giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, lương thực, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế… có nhiều biến động và tác động làm CPI chung tăng trong năm qua.

Kết quả, lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 0,17% so với tháng 11 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Theo bà Oanh, nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.