Ca trù đủ điều kiện chuyển khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp

Sau 5 năm được UNESCO ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại,” ca trù đã hình thành được đội ngũ nghệ sỹ kế cận đông đảo.
Ca trù đủ điều kiện chuyển khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp ảnh 1Biểu diễn ca trù (Ảnh: TTXVN)

Theo nhạc sỹ-nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, sau 5 năm được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại,” từ việc thiếu vắng đội ngũ kế thừa, ca trù đã hình thành được một đội ngũ nghệ sỹ kế cận khá đông đảo. Đây là một trong cơ sở quan trọng để loại hình nghệ thuật này trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.”

Trước thềm Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhạc sỹ Đặng Hoành Loan-tổng đạo diễn, cố vấn chuyên môn của liên hoan xung quanh vấn đề này.

- Thưa nhạc sỹ, có ý kiến cho rằng Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 vắng bóng những nghệ nhân lão thành, thay vào đó chỉ có sự xuất hiện của các nghệ sỹ trẻ sẽ tạo ra sự mất cân đối. Với tư cách là tổng đạo diễn của liên hoan, ông giải thích về vấn đề này như thế nào?

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Đây là năm thứ 5 từ khi ca trù được UNESCO ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.” Chúng ta cần tổng kết lại xem trong 5 năm đó, việc kế tục ca trù được thực hiện thế nào?

Nếu việc truyền dạy, phát huy giá trị của di sản này này vẫn chỉ nằm ở các nghệ nhân thì tôi xin thưa đó là một tình trạng đáng báo động nghiêm trọng. Bởi lẽ, trong cả nước, chúng ta chỉ còn khoảng hai, ba nghệ nhân ca trù và các cụ đều đã ở ngưỡng tuổi 90.

Bởi vậy, nếu năm nay, chúng ta lại tổ chức liên hoan theo kiểu vinh danh các nghệ nhân lão thành thì chúng ta không đánh giá được chính xác sự tồn tại, phát triển của ca trù trong đời sống. Vì thế, chương trình năm nay tập trung vào việc giới thiệu các nghệ nhân kế cận - tức là lớp trẻ ham thích ca trù.

Tôi tiếc rằng, việc tổ chức lần này chỉ diễn ra trong ba ngày, thời lượng biểu diễn với mỗi đơn vị, câu lạc bộ tham gia khá hạn chế [mỗi câu lạc bộ tham gia liên hoan sẽ tự xây dựng chương trình biểu diễn với thời lượng tối đa là 30 phút-PV]. Nhiều địa phương gọi điện tới ban tổ chức nói rằng, họ muốn được diễn trong một tiếng hay thậm chí, có đơn vị còn đề nghị được có riêng một buổi để diễn. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, chứng tỏ đội ngũ nghệ sỹ trẻ kế cận hiện nay khá dồi dào.

- Để đảm bảo chất lượng các tiết mục tham gia liên hoan, ban tổ chức đã có phương án nào, thưa ông?

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Chúng tôi đề nghị các câu lạc bộ, đơn vị tham gia liên hoan lần này gửi các băng đĩa thu âm tiết mục thể hiện về cho ban tổ chức thẩm định trước.

Sau khi nghe xong, tôi thấy bên cạnh một số câu lạc bộ thu âm tốt, có một câu lạc bộ thu thanh chưa đạt. Thế nhưng qua đó tôi rút ra được hai điều: Thứ nhất, thế hệ nghệ sỹ trẻ ra đời và hát hay (ví dụ, nhiều giọng hát của Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… rất tốt). Điều này làm cho chúng ta tin tưởng về sự kế thừa và phát huy giá trị của di sản văn hóa này trong đời sống.

Mặt khác, chúng ta cũng đặt lại câu hỏi: Làm sao để cộng đồng tự “nuôi dưỡng” được như vậy trong khi chúng ta chưa có một chế độ đãi ngộ nào thỏa đáng đối với các nghệ nhân, nghệ sỹ ca trù và chưa có kế hoạch nào mang tính chất dài hạn trong việc phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này trong đời sống?

Câu trả lời chỉ có thể là quần chúng coi đó là sứ mệnh của mình. Họ tự bỏ tiền để theo học, nuôi dưỡng nó.

Ca trù đủ điều kiện chuyển khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp ảnh 2Nhạc sỹ-nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Hằng năm, Viện Âm nhạc mới tổ chức được những lớp học ca trù kéo dào trong khoảng 15 ngày. Những người tham gia các lớp học này là những người vốn đã có những hiểu biết cơ bản về ca trù. Sau đó, họ trở thành hạt nhân chủ chốt trong việc truyền dạy ca trù ở các địa phương.

Trong khi đó, với một ca nương, để có thể biểu diễn được ca trù thì phải có thời gian học từ 5 năm trở lên. Bởi thế, nếu chúng ta tổ chức được nhiều hơn nữa các lớp giáo sinh truyền dạy như vậy, chúng ta sẽ có lực lượng kế cận hùng hậu. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ kế cận đó là cách tốt nhất để gìn giữ và phát huy giá trị di sản này.

- Nhìn lại 5 năm từ khi ca trù được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông có nhận xét gì về sự phát triển của ca trù trong đời sống cộng đồng?

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Ca trù đã, đang và sẽ tiếp tục trở lại với đời sống cộng đồng.

Từ khoảng năm 2005 đổ về trước, chữ ca trù xa lạ lắm, xa lạ ngay với cả chính những vùng có di sản ca trù. Tôi đi điền dã khoảng 70 xã ở 15 tỉnh, thành phố, hỏi về ca trù thì đến cán bộ xã cũng hỏi ngược lại tôi “ca trù là cái gì?”

Thế nhưng, đến nay, cộng đồng đều nhận thức được rằng, ca trù được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong đời sống cộng đồng, cái tên ca trù đã trở nên rất phổ biến với cả lớp trẻ và người già. Đó là bước chuyển thứ nhất vô cùng quan trọng.

Bước chuyển thứ hai là về mặt số lượng. Nếu như khi được UNESCO vinh danh, chúng ta chỉ có 20 nghệ nhân trong toàn quốc và không có người biết hát ca trù (ngoài 20 nghệ nhân này) thì đến nay, 18 nghệ nhân đã ra đi. Thế nhưng chúng ta có một đội ngũ những người biết hát ca trù, lớp nghệ sỹ kế cận (khoảng vài ba trăm người) cũng không hề kém cạnh. Tuy nhiên, nếu so với các nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” thì họ còn cần phải có thêm nhiều thời gian rèn luyện.

Về mặt nghệ thuật, ở giai đoạn năm 2005-2008, chúng ta chỉ có hai tay đàn và ca trù đứng trước nguy cơ không còn người đàn; mà không còn người đàn thì ca trù coi như biến mất. Không thể gọi là ca trù nếu thiếu tiếng đàn.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đã có tám tay đàn-mà là tám tay đàn có chuyên môn, kỹ thuật cao, điệu nghệ chứ không phải là những tay đàn “lộp bộp,” làng nhàng.

Kết quả tiếp theo là, lúc đầu, lớp trẻ chỉ biết hát ba điệu (hát nói, hát xẩm, hát ru). Đến bây giờ, họ đã hát được thêm tám điệu nữa, nâng tổng số lên 11 điệu trong khi ca trù có tổng cộng khoảng 40 thể cách. Theo tôi, đó là bước tiến khả quan.

- Theo ông, đến khi nào ca trù vượt ra khỏi được tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp?”

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: So với khoảng thời gian năm 2008, hiện nay, ca trù đã đủ điều kiện để được chuyển khỏi danh sách “cần bảo vệ khẩn cấp.”

Tôi cho rằng, lớp nghệ sỹ kế cận và cộng đồng đã đủ sức và lòng nhiệt tình để bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù trong đời sống. Vấn đề là chúng ta còn cần cơ chế chính sách của cơ quan văn hóa để các hoạt động ca trù được diễn ra thường xuyên, bài bản hơn.

Nói vậy không có nghĩa là ca trù cần được trình diễn liên tục hằng ngày. Chúng ta đừng mong ca trù sẽ phổ biến được như nhạc trẻ. Điều đó là không thể. Chúng ta hãy nghĩ nó như nhạc thính phòng, giao hưởng - thỉnh thoảng có chương trình biểu diễn thôi.

Tôi tin rằng, nếu năm nay chúng ta làm hồ sơ gửi lên UNESCO, ca trù sẽ được chuyển từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.”

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 sẽ diễn ra từ ngày 26-29/8 tại Viện Âm nhạc (CC2-Khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội).

Chương trình có sự tham dự của 26 đơn vị, câu lạc bộ ca trù của 12 tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật này trong cả nước, gồm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục