Các bác sỹ Việt Nam thực hiện thành công ca mổ u não thức tỉnh

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 22/3 trong hơn 3 giờ đồng hồ, trong đó bệnh nhân thức tỉnh một giờ đồng hồ. Các bác sỹ đã tiến hành cắt toàn bộ khối u trong não của bệnh nhân.
Bệnh nhân tên Cao Quang Cảnh và phó giáo sư Đồng Văn Hệ cùng chia sẻ lại về ca mổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 26/3, phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần Kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, các bác sỹ của bệnh viện vừa thực hiện thành công một ca bệnh bằng phương pháp phẫu thuật thức tỉnh.

Phó giáo sư Hệ cho hay, đây là ca phẫu thuật được thực hiện hoàn toàn bởi các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cách đây hai tháng, tại bệnh viện cũng đã thực hiện thành công hai ca phẫu thuật mổ thức tỉnh, tuy nhiên có sự trợ giúp của các chuyên gia, êkip phẫu thuật đến từ Nhật Bản.

[Ca phẫu thuật đặc biệt: Vừa mổ u não, bệnh nhân vừa... hát]

Bệnh nhân tên Cao Quang Cảnh, sinh năm 1964 (ở Đồng Hới, Quảng Bình). Bệnh nhân cho hay, cách đây không lâu bệnh nhân thường có cảm giác tê bì ở tay trái, khó vận động và hầu như không cầm nắm được đồ vật. Thỉnh thoảng bệnh nhân đi hay bị lảo đảo.

Sau đó bệnh nhân đi khám và phát hiện có khối u ở não. Khối u của bệnh nhân có kích thước 2,3cm x 3,6cm.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đã được các bác sỹ giới thiệu về phương pháp phẫu thuật thức tỉnh.

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 22/3 trong hơn 3 giờ đồng hồ, trong đó bệnh nhân thức tỉnh một giờ đồng hồ. Các bác sỹ đã tiến hành cắt toàn bộ khối u trong não của bệnh nhân.

“Các bác sỹ tiến hành mổ não và trong 2/3 thời gian mổ ban đầu bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không gây mê. Trong khi mổ bệnh nhân vẫn nói, hát… để các bác sỹ nhận biết được các dây thần kinh, tránh cắt phải dây thần kinh ngôn ngữ hay vận động. Bởi nếu khi cắt khối u vào vùng vận động bệnh nhân có thể bị liệt,” bác sỹ Hệ nhấn mạnh.

Bệnh nhân Cảnh kể lại: “Tôi đã trải qua một ca mổ bản thân thấy rất đặc biệt, bởi trong các bác sỹ mổ cắt u não mình hoàn toàn tỉnh táo. Ngược lại với vấn đề sợ hãi, tôi lại thấy hơi hào hứng, có sự thú vị, bởi trong lúc bệnh nhân đang nằm phẫu thuật tương tác với các bác sỹ và không cảm thấy đau đớn, mình cảm thấy đang được nằm nói chuyện bình thường với các bác sỹ.”

Bệnh nhân mổ bằng phương pháp phẫu thuật thức tỉnh kể lại.

Bệnh nhân Cao Quang Cảnh cho hay trước kia ông thuận tay trái, hầu như mọi hoạt động cầm nắm đều làm bằng tay trái, trừ viết. Khi có bệnh, tay trái của ông hầu như không cầm nắm được các đồ vật, đến khi ca mổ kết thúc, ông có thể vận động các đốt ngón tay dễ dàng và cử động các ngón tay để đếm. Đến hôm nay, các ngón tay trên bàn tay trái của bệnh nhân đã cử động dễ dàng hơn, bệnh nhân đã có thể cầm đũa, thìa.

Theo bác sỹ Hệ, khoảng thời gian bệnh nhân tỉnh táo 2 giờ đồng hồ khá dài, nên các y bác sỹ, điều dưỡng thay nhau nói chuyện, trò chuyện, thậm chí bệnh nhân còn hát khi bác sỹ đang mổ và tâm sự nhiều chuyện về bệnh nhân với các y bác sỹ.

“Đây là phương pháp mổ mới, cần bệnh nhân phải can đảm. Bởi bệnh nhân vẫn tỉnh, nghe được tiếng máy khoan sọ, tiếng cắt ghép của các dụng cụ kỹ thuật thực hiện ngay trên đầu mình, nếu bệnh nhân hoảng hốt, khó chịu, sợ hãi thì ca phẫu thuật không thể thành công,” bác sỹ Hệ phân tích.

Bệnh nhân sau mổ đến nay hồi phục tốt và nhanh. Đáng lưu ý chi phí mổ không hề cao hơn phương pháp bình thường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục