Trong suốt 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, tại nhiều bệnh viện các y bác sỹ vẫn liên tục “căng mình” trực cấp cứu cho các bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày vừa qua, số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông hay số trẻ em bị viêm phổi, tiêu chảy tăng cao bất thường.
Cụt tay, cụt chân... vì bia rượu
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong bốn ngày nghỉ lễ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 140-150 ca cấp cứu, trong đó khoảng 60% là các ca liên quan đến tai nạn giao thông.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ, số nạn nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia tăng hơn hẳn ngày thường. Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 150 ca cấp cứu thì đến 60-70% là do tai nạn giao thông.
nghi/300218.vnp">Cả nước có 104 người chết vì tai nạn giao thông trong bốn ngày nghỉ.
[Cả nước có 104 người chết vì tai nạn giao thông trong bốn ngày nghỉ]
Theo phó giáo sư Quyết, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối nên Bệnh viện Việt Đức thường tiếp nhận những ca tai nạn rất nặng từ các địa phương chuyển lên.
Một bác sỹ cấp cứu tại bệnh viện cho biết, phần lớn nạn nhân tai nạn giao thông trong đợt nghỉ là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Đáng thương tâm có nhiều trường hợp bệnh nhân dù được cấp cứu kịp thời thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, không nói được hay trong tình trạng không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân… do hậu quả của tai nạn để lại.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày nghỉ các bác sỹ của Trung tâm liên tục tiếp nhận các nhập viện do ngộ độc, trong đó có các nguyên nhân do rượu, hóa chất. Đáng lưu ý, có một số ca ngộ độc trong tình trạng nặng gây suy gan, suy thận.
1.200 bệnh nhân nhi khám mỗi ngày
Ghi nhận tại các bệnh viện nhi cho thấy, cũng trong những ngày nghỉ lễ Tết dương lịch, rất nhiều trẻ em đến khám tại các bệnh viện, trong đó nhiều trường hợp phải nhập viện vì tình trạng bệnh diễn biến nặng. Các sỹ trực khám liên tục, “xoay như chong chóng” vì số ca đến khám đông không kém gì ngày thường trong khi số lượng nhân viên y tế có hạn.
Phó giáo sư Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số trẻ đến khám trong bốn ngày nghỉ Tết vẫn xấp xỉ ngày thường. Bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Vì thế, các bác sỹ hầu như vẫn phải phân nhau khám, đi làm như ngày thường.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi dẫn chứng, trong những ngày nghỉ vừa qua, tại khoa mỗi ngày tiếp nhận trung bình 100-130 bệnh nhi được đưa đến khám, trong đó có từ 8-13 bệnh nhi phải nhập viện.
Thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, đa phần các trường hợp trẻ nhập viện do liên quan tới các các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, sốt cao co giật và tiêu chảy.
Đặc biệt, số trẻ nhập viện tuy không tăng đột biến nhưng đều là bệnh diễn biến nặng, chủ yếu là viêm phổi và tiêu chảy, sốt cao co giật phải nhập viện.
Theo các bác sỹ, đợt nghỉ vừa qua các bệnh nhân nhi phải nhập viện chủ yếu là ca nặng vì đúng dịp nghỉ lễ, nhiều trẻ được bố mẹ đưa về quê, đi du lịch… nên khi con có những dấu hiệu đầu tiên thì nhiều bậc phụ huynh chần chừ chưa đưa ngay trẻ đi khám bệnh, khi để qua mấy ngày nghỉ lễ thì bệnh của trẻ đã nặng lên.
Điển hình như bé N.H.N. (5 tháng tuổi) ở Hà Nội, trước kỳ nghỉ Tết bé được bác sỹ chỉ định nhập viện theo dõi viêm màng não. Mẹ bé N. cho biết, thấy con vẫn chơi ngoan, nên nghỉ Tết chị cho con về Nam Định chơi. Sau đó, thấy con sốt gần 40 độ, hốt hoảng, chị vội vã đưa con về Bệnh viện Bạch Mai khám và qua kết quả chọc dịch não tủy cho thấy bé bị viêm màng não.
Phó giáo sư Dũng cho hay, trường hợp của bé N. cũng chưa nguy kịch đến tính mạng do bé được gia đình đưa đến viện kịp thời để điều trị sớm, tuy nhiên, phụ huynh của bé thì nghỉ luôn Tết dương lịch trong... bệnh viện.
Thời điểm hiện nay trùng với dịch tiêu chảy mùa Đông bắt đầu vào mùa. Vì vậy, phó giáo sư Hải khi bị dịch tiêu chảy, trẻ thường nôn, đi ngoài nhiều nên diễn biến nhanh, trẻ mất nước, suy kiệt nên khi đến khám, số bệnh nhi phải chỉ định nhập viện, truyền nước là nhiều hơn hẳn các bệnh lý khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ nôn trớ, tiêu chảy cần biết cách bù nước đúng cách, tránh tình trạng để trẻ bị mất nước, suy kiệt, mệt mỏi khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn./.