Theo báo cáo kinh tế hàng tháng do Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (BMWi) công bố mới đây, việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đang tiếp tục đè nặng lên kinh tế Đức trong quý 1/2021.
BMWi lưu ý rằng đà phục hồi sau khi kết thúc đợt đóng cửa đầu tiên do dịch COVID-19 vào mùa xuân năm ngoái đã tạm dừng do đợt đóng cửa thứ hai.
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong quý 3/2020, kinh tế Đức đã tăng trưởng mạnh 8,5%, song tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm xuống 0,1% trong quý 4/2020.
Đức đã áp dụng chính sách đóng cửa vào tháng 11/2020 khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 tấn công nước này. Các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng và cơ sở giải trí buộc phải đóng cửa và người dân phải tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt.
BMWi nhận định “bức tranh kinh tế” đang đan xen giữa hai gam sáng tối, khi lĩnh vực công nghiệp của Đức tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong khi lĩnh vực dịch chịu sức ép do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
[Xuất khẩu Đức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009]
BMWi nhấn mạnh đà tăng trưởng của nền kinh tế sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của tình hình dịch bệnh trong mùa Đông.
Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Nghiên cứu Dự báo Kinh tế Vĩ mô châu Âu (EUROFRAME), kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay.
Viện Kiel về Kinh tế Thế giới (IfW Kiel), thuộc EUROFRAME đánh giá kinh tế châu Âu có thể sẽ bắt đầu phục hồi đáng kể khi phần lớn dân số được tiêm chủng và các ca mắc COVID-19 giảm đáng kể, dự kiến từ quý 2/2021 trở đi.
Trong một thông tin liên quan, DSLV, một hiệp hội của Đức về vận chuyển hàng hóa và hậu cần mới đây đã cảnh báo về hậu quả kinh tế do chính sách kiểm soát tại biên giới Đức-Áo và Đức-Cộng hòa Séc do đại dịch COVID-19.
Theo DSLV, các nhân viên trong lĩnh vực vận tải phải đăng ký nhập cảnh ngay lập tức và cũng được yêu cầu cung cấp xét nghiệm âm tính với dịch COVID-19. Những quy định mới này có thể dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các biên giới và làm gián đoạn chuỗi cung ứng./.