Các công ty Trung Quốc áp dụng biện pháp mới nhằm thúc đẩy doanh thu

Sinopec mới đây đã triển khai một kế hoạch mới mang tên “không chạm,” theo đó tổ chức hoạt động bán rau tại 6.000 trạm xăng dầu của tập đoàn ở 147 thành phố của Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc áp dụng biện pháp mới nhằm thúc đẩy doanh thu ảnh 1(Nguồn: Bloomberg)

Các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang triển khai những biện pháp mới nhằm thúc đẩy doanh số, giữa bối cảnh hoạt động tiêu dùng tại đây bị ảnh hưởng do các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại cũng như những lo ngại về sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Với mong muốn hỗ trợ khách hàng cũng như trợ giúp những nông dân không thể chuyển giao sản phẩm của họ do những hạn chế về đi lại, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) mới đây đã triển khai một kế hoạch mới mang tên “không chạm.”

Theo đó Sinopec tổ chức hoạt động bán rau tại 6.000 trạm xăng dầu của tập đoàn ở 147 thành phố của Trung Quốc.

Người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trên ứng dụng di động Sinopec và khi họ lái xe đến nhận hàng, nhân viên phục vụ tại trạm xăng dầu sẽ chất rau lên xe của họ, qua đó tránh được bất kỳ sự tiếp xúc trực tiếp nào giữa người với người.

Phó Chủ tịch mảng bán hàng tiện lợi của Sinopec, ông Li Hong, cho hay dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động mua hàng của người dân. Nhu cầu đi lại đã giảm nhưng nhu cầu đối với thực phẩm vẫn rất cao.

Mengniu Diary, hãng sản xuất sữa lớn thứ hai ở Trung Quốc, đang chạy đua với thời gian để lắp thêm máy bán hàng tự động, bổ sung vào hệ thống 10.000 máy bán hàng tự động hiện có của hãng.

Mengniu cho biết dịch COVID-19 đã làm tăng mạnh nhu cầu đối với kênh bán hàng của hãng. Hệ thống bán hàng của Mengniu cho phép khách hàng đến hệ thống bán hàng tự động của hãng để lấy các sản phẩm được đặt hàng trực tuyến trước đó như sữa và sữa chua.

Mengniu cũng đã giới thiệu sáng kiến “bán buôn cộng đồng” để chuyển giao số lượng lớn các mặt hàng đến các khu dân cư hoặc các cộng đồng khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua hàng của người dân.

Ông Meng Fanjie, một quản lý của Mengniu, nói rằng các biện pháp trên đã giúp khôi phục phần nào doanh thu và mang lại thị phần lớn hơn cho Mengniu. Nhờ đó, doanh số của Mengniu kể từ đầu tháng đến ngày 27/2 vừa qua đã phục hồi lên 80% các mức ghi nhận được trong tháng trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.