Kinh tế toàn cầu trước mối nguy chệch hướng vì COVID-19

Dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đe dọa làm chệch hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu song các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế toàn cầu có thể chỉ mang tính tạm thời.
Kinh tế toàn cầu trước mối nguy chệch hướng vì COVID-19 ảnh 1Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh những rủi ro nổi lên trong năm 2019 có dấu hiệu lắng dịu, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát, trở thành mối nguy lớn nhất trong thời điểm hiện nay, đe dọa làm chệch hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế toàn cầu có thể chỉ mang tính tạm thời.

Mối nguy lớn nhất của kinh tế toàn cầu

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo dịch COVID-19 làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và lan sang cả các quốc gia khác có thể làm chệch hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Bà nhận định, trong trường hợp lạc quan nhất, tác động kinh tế của dịch bệnh sẽ là ngắn hạn, nhưng lại xảy đến đúng lúc kinh tế toàn cầu vẫn còn đang yếu ớt.

Theo bà, cùng với những nguy cơ khác như xung đột thương mại Mỹ-Trung, thế giới vẫn chưa sẵn sàng để ứng phó với tác động lâu dài. Bà nhấn mạnh dịch bệnh chính là mối nguy lớn nhất hiện nay, cũng là lời nhắc nhở sự phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu có thể bị đe dọa bởi những sự kiện chưa thể lường trước.

Tổng Giám đốc IMF nêu rõ tình hình có thể xấu đi khi các nước khác phải hứng chịu những hậu quả nặng nề hơn. Theo bà, việc dịch bệnh kéo dài và nghiêm trọng hơn sẽ khiến kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc lâu hơn và sâu hơn.

Tác động đến toàn cầu sẽ bị nhân lên qua sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, niềm tin của các nhà đầu tư bị giảm mạnh, đặc biệt khi dịch bệnh vượt ra khỏi Trung Quốc, đang bùng phát mạnh tại Hàn Quốc, Iran cũng như một số quốc gia châu Âu.

Do đó, IMF đã một lần nữa cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu sẽ không phục hồi mạnh và hiện còn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới diễn ra ở Saudi Arabia ngày 23/2, Tổng Giám đốc IMF cho rằng dù tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ đạt mức 3,3% trong năm nay, song sự phục hồi này là mong manh.

[Tác động tiêu cực của COVID-19 đối với kinh tế thế giới ngày càng lớn]

Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và có thể đe dọa tới đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Bà Georgieva cho rằng, kể cả trong trường hợp dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, tăng trưởng tại Trung Quốc và thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động.

Cụ thể, dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm phần trăm và "kìm" tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 5,6% trong năm nay.

Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định dịch COVID-19 bất ngờ nổi lên là một mối đe dọa mới, giữa lúc mới lóe lên hy vọng về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Ông cho rằng triển vọng tăng tốc của kinh tế thế giới sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn một, giải pháp cho việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu được nhất trí và các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì lãi suất thấp sẽ trở nên khó khăn do dịch bệnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed lưu ý hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại kinh tế do dịch ở Trung Quốc và các nước trên thế giới.

Bà Victoria Perskaya, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế tại Đại học Tài chính Nga, dự báo tổng thiệt hại đối với nền kinh tế thế giới do sự lây lan của dịch COVID-19 có thể lên tới 500 tỷ USD.

Bà cũng lưu ý rằng du lịch sẽ là ngành hứng chịu thiệt hại lớn nhất. Bà cho rằng dự báo mà ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs đưa ra đầu tháng Hai cho rằng sự lây lan của dịch COVID-19 sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 giảm 0,1-2 điểm phần trăm có phần lạc quan do được đưa ra vào đầu tháng Hai, trong khi dịch bệnh đã kéo dài hơn so với dự kiến.

Các chuyên gia cho rằng các biện pháp hạn chế đi lại và dừng hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo tiến sỹ Eric Toner, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, việc hạn chế hoạt động của máy bay, tàu thuyền, tàu hỏa và xe cơ giới chính là khởi đầu của việc đóng cửa nền kinh tế và điều này có thể có ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Giới phân tích cho rằng việc tỉnh Hồ Bắc và các khu vực lân cận bị phong tỏa khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể hoạt động sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ít nhất 2 điểm phần trăm.

Trung Quốc đã thông báo hàng loạt các biện pháp để đối phó với các ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc giới chức y tế Trung Quốc không thể kiềm chế sự lây lan của dịch sẽ làm giảm hiệu quả của bất cứ biện pháp nào nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đề nghị ngân sách bổ sung cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc có thể hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục do tác động của dịch COVID-19.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế. Italy thông qua sắc lệnh hỗ trợ kinh tế trước tác động của dịch. Liên minh châu Âu công bố gói viện trợ mới 232 triệu euro nhằm ngăn chặn dịch. Nhà Trắng cũng đưa ra kế hoạch đối phó khẩn cấp trị giá 2,5 tỷ USD.

Những tác động có thể chỉ tạm thời

Kinh tế toàn cầu trước mối nguy chệch hướng vì COVID-19 ảnh 2Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 25/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Nhà kinh tế Rohini Malkani, chuyên gia của cơ quan xếp hạng tài chính toàn cầu DBRS Morningstar ở Toronto, Canada, nhận định dịch COVID-19 đang gây tác động tức thời đến nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Trong khi đó, ngân hàng JP Morgan của Mỹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực giảm trong quý I/2020, song sẽ phục hồi trong hai quý tiếp theo, qua đó tình trạng đình trệ sẽ dần được cải thiện.

Ở lĩnh vực tài chính, JP Morgan lưu ý rằng dịch COVID-19 chỉ là "một yếu tố có tính chất không ổn định trong ngắn hạn", do đó sẽ không thể cản trở các thị trường tài chính toàn cầu lập "các mốc cao mới trong năm 2020."

Giáo sư Kinh tế Antonis Zairis từ Đại học Neapolis ở Cộng hòa Cyprus, ước tính tác động toàn diện của dịch COVID-19 đến nền kinh tế Khu vực đồng euro chỉ ở mức "rất nhỏ," không vượt quá 0,01% GDP của khu vực này trong năm nay.

Tổng Giám đốc IMF nhận định dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, song đà tăng trưởng sau đó có thể phục hồi nhanh và mạnh.

Bà cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm do tác động của dịch COVID-19, nhưng sẽ phục hồi nhanh nếu dịch sớm được kiểm soát, có nghĩa tác động nhẹ đến kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng tác động toàn diện của dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Bà cho rằng còn quá sớm để đưa ra những dự báo rõ ràng về tình hình tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và thế giới trong năm 2020 do dịch COVID-19.

IMF cũng không loại trừ khả năng về một viễn cảnh khác như tác động từ dịch bệnh này kéo dài hơn.

Bà Georgieva cho biết, kinh tế toàn cầu phần nào yếu hơn so với khi Trung Quốc đối mặt với đại dịch SARS vào năm 2003. So sánh với tác động của đại dịch SARS, bà nhận xét Trung Quốc khi đó chỉ chiếm 8% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong khi con số này hiện nay là 19%.

Theo bà, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đã giảm nhẹ trong và ngay sau khi đại dịch SARS được kiểm soát thành công nhưng nền kinh tế thế giới đã lấy lại đà tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng của cả năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ không đưa ra các dự báo, nhưng nói rằng tác động đến kinh tế nước này có thể chỉ là tạm thời.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện ngày 12/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng dịch tác động lớn đến Trung Quốc, còn đối với Mỹ sẽ chỉ có tác động trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.