Kỳ nghỉ lễ nhân Ngày quốc tế Lao động (1/5) kéo dài 5 ngày vào đầu tháng Năm của Trung Quốc từng được coi là cơ hội cho các chuyến du lịch châu Âu và thúc đẩy hoạt động mua sắm xa xỉ phẩm.
Tuy nhiên, sự hạn chế của các chuyến bay sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại vào tháng 1/2023 khiến các cửa hàng xa xỉ phẩm tại châu Âu sẽ phải chờ đợi lâu hơn để chào đón sự trở lại của lượng khách du lịch, từng là động lực tăng trưởng cho họ.
Các thương hiệu và nhà đầu tư đang nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc khi thói quen mua sắm trong và ngoài nước thay đổi sau ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
[Du khách Trung Quốc thúc đẩy 'ngành công nghiệp không khói' thế giới]
Một báo cáo của công ty tư vấn quản lý Bain & Company cho hay thị trường xa xỉ phẩm của Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 10% so với năm trước đó, đứt chuỗi tăng trưởng cao 5 năm liên tiếp.
Điều này được cho là do chính sách "Không COVID" của Trung Quốc và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng đến chi tiêu.
Khi đề cập đến hoạt động mua sắm hàng cao cấp ở nước ngoài, các nhà phân tích và giám đốc điều hành ngành bán lẻ cho biết việc cân nhắc đối tượng du khách Trung Quốc khi đến châu Âu có thể quan trọng hơn số lượng du khách.
Theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, giá vé máy bay từ Trung Quốc đến châu Âu đã tăng hơn tới 80% so với trước đại dịch và lượng khách du lịch trong kỳ nghỉ tháng Năm thấp hơn 64% so với năm 2019.
Giám đốc điều hành LVMH Antonio Belloni cho biết những người quay trở lại châu Âu chủ yếu là doanh nhân và những người giàu có.
Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Agility Research & Strategy, Amrita Banta cho biết du khách Trung Quốc đến những nơi như Paris và Milan hiện có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Còn theo UBS, giá trị giao dịch trung bình của các du khách Trung Quốc tại châu Âu trong tháng Ba cao hơn 28% so với mức của năm 2019.
UBS cho biết thêm Richemont, chủ sở hữu thương hiệu Cartier, Hermes và LVMH, là những tập đoàn hưởng lợi nhiều nhất từ những người mua sắm giàu có ở Trung Quốc.
Luciano Santel, quan chức cấp cao tại nhà bán lẻ xa xỉ Moncler, nhận định du khách Trung Quốc tại châu Âu vẫn chỉ đóng góp nhỏ, nhưng đang tăng lên hàng tuần.
Thị trường xa xỉ phẩm tại Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hằng năm trung bình 42% trong giai đoạn từ năm 2019-2021. Nhưng đà đi lên này đã chấm dứt vào năm 2022, sau khi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực dập tắt dịch COVID-19 bằng cách phong tỏa toàn thành phố.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng ảnh hưởng tới thị trường này.
Phản ánh kết quả gần đây từ tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp và Salvatore Ferragamo của Italy cho năm 2022, Bain cho biết tất cả các danh mục hàng xa xỉ đều bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau.
Trong khi các danh mục có mức độ thâm nhập trực tuyến cao, chẳng hạn như sản phẩm làm đẹp cao cấp ghi nhận mức giảm một con số, thì danh mục đồng hồ giảm mạnh nhất với doanh số thu hẹp từ 20-25% so với năm 2021.
Các sản phẩm thời trang và phong cách sống cũng chứng kiến doanh số giảm từ 15-20%, trong khi doanh số bán đồ trang sức và đồ da giảm từ 10-15%.
Bain hy vọng thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc sẽ đạt doanh số bán hàng như của năm 2021 vào khoảng từ nửa đầu đến nửa cuối năm 2023. Song công ty cũng lưu ý dù có rất nhiều sự lạc quan nhưng cũng có những rủi ro.
Nghiên cứu của Exane BNP Paribas được công bố ngay trước kỳ nghỉ Lễ nhân Ngày quốc tế Lao động ước tính người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều thứ ba sau người Pháp và người Mỹ và đôi khi là lớn thứ hai tại các cửa hàng ở khu vực du lịch.
Khi những người Trung Quốc giàu có quay trở lại châu Âu và các điểm đến nước ngoài khác, sức hấp dẫn của đảo Hải Nam của Trung Quốc, một điểm nóng mua sắm miễn thuế, dường như đang giảm dần đối với những người chi tiêu xa xỉ hàng đầu./.