Ngày 24/9, các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã đạt nhất trí tiếp tục nỗ lực thành lập một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp các quan chức cấp cao từ Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc với Iran bên lề các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 ở New York (Mỹ), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini cho biết: "Ý thức về tính khẩn cấp và sự cần thiết phải có các kết quả cụ thể, các bên tham gia đã hoan nghênh các đề xuất thiết thực nhằm duy trì và phát triển các kênh thanh toán, nhất là sáng kiến thành lập một phương tiện đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ."
[Iran: Biện pháp trừng phạt của Mỹ không thể làm suy yếu ngành dầu mỏ]
Trong một tuyên bố đưa ra sau các cuộc thảo luận cấp cao tại Liên hợp quốc, EU và Iran, cùng với Nga và Trung Quốc nhấn mạnh quyết tâm "bảo vệ quyền tự do của các công ty của mình trong việc theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran."
Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Đến tháng 8, Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, theo đó yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Tehran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả tài chính.
Tuy nhiên, các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận./.