Các địa phương Đông Nam Bộ tập trung cao độ giải ngân đầu tư công cuối năm 2024

Chính quyền từng địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn, huy động tối đa nguồn lực hướng tới mục tiêu hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ TL44A giáp khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù (đường ĐT994) (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vướng quy hoạch đất rừng, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hoàng Nhị/ TTXVN)
Dự án cải tạo, nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ TL44A giáp khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù (đường ĐT994) (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vướng quy hoạch đất rừng, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hoàng Nhị/ TTXVN)

Chỉ còn một tháng là kết thúc năm 2024, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án, công trình trên địa bàn.

Chính quyền từng địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn, huy động tối đa nguồn lực hướng tới mục tiêu hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiệm vụ trọng tâm

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều năm qua đã đặt trọng tâm vào việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 đạt hơn 11.760 tỷ đồng, đạt 56,35% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023, đồng thời chưa đạt kế hoạch xây dựng từ đầu năm là 65,01%.

TTXVN_0312 dau tu cong Ba Ria Vung Tau.jpg
Nhà thầu khẩn trương thi công dự án cầu Cây Khế 2, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trong năm 2024, thành phố Vũng Tàu được giao và thực hiện 147 công trình đầu tư công, tổng vốn khoảng 2.600 tỷ đồng.

Tính đến tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân của thành phố Vũng Tàu chỉ đạt 49,3% kế hoạch được giao; trong đó, vốn tỉnh chỉ đạt 38%. Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng lên trên 58%; trong đó, vốn tỉnh đạt 51%.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Vũng Tàu Đoàn Hải Linh, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể để giải ngân hết số vốn đã phân bổ trong năm.

Hiện tại, các công trình như đường Hàng Điều, đường A3, đường Cầu Cháy, đường Bình Giã,… đang tồn đọng số vốn khá lớn. Các đơn vị thi công cũng đang tăng tốc để nỗ lực hết tháng 12 này đảm bảo giải ngân kịp kế hoạch đề ra.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương triển khai Kế hoạch cao điểm 50 ngày đêm thi đua giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhằm tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2024.

Đồng thời, giao chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân cho từng sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị chủ đầu tư để phấn đấu thực hiện. Thông qua phong trào thi đua, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc và có những giải pháp để hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 8/11/2024, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn Thành phố là 18.635 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,5% trên tổng số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 là 79.263 tỷ đồng.

TTXVN_0312 dau tu cong Thanh pho Ho Chi Minh.jpg
Toàn cảnh dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý tại quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Dù đã đề ra nhiều giải pháp ngay từ đầu năm nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đạt rất thấp và rất khó để đạt được mục tiêu giải ngân 95% năm 2024.

Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đến ngày 30/1/2025 đúng theo số liệu giải ngân vốn đã được các cơ quan đơn vị cập nhật, điều chỉnh và báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn (mở rộng nâng cấp đường Dương Quảng Hàm đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Tỉnh lộ 8; nút giao Mỹ Thủy, xây dựng bến xe buýt Củ Chi; đường Hoàng Hoa Thám;…), các chủ đầu tư báo cáo chi tiết từng bước thủ tục, tiến độ mở thầu, thi công và giải ngân dự án theo các mốc thời gian cụ thể; trong đó, xác định rõ thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của sở, ngành và đặc biệt là vai trò của chủ đầu tư trong từng nhiệm vụ được đề ra.

Quyết liệt triển khai

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc tiến độ thực hiện dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cuối năm 2024.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện “5 quyết tâm,” “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện, với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão,” “thi công 3 ca 4 kíp,” “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết.”

Dự kiến trong tháng 12/2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục khởi công ba dự án gồm: Công trình bảo vệ bờ biển Hồ Tràm; trang thiết bị y tế cho các dự án Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lao-Phổi và Nâng cấp mở rộng đường Hội Bài-Phước Tân (ĐT 992) đoạn từ Quốc lộ 51 đến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Tỉnh Bình Dương phấn đấu đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc phải đạt trên 80%.

TTXVN_0312 cau Bach Dang Binh Duong Dong Nai.jpg
Cầu Bạch Đằng 2 là cầu thứ 3 kết nối trực tiếp giữa Đồng Nai và Bình Dương. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Với kế hoạch cao điểm 50 ngày đêm thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu các chủ đầu tư, các ban và địa phương, cần quán triệt và có kế hoạch triển khai cụ thể để có thể giải ngân cao nhất, đặc biệt là những công trình được phân bổ vốn đầu tư lớn. Đối với công trình trọng điểm, phải kiện toàn các ban chỉ đạo, để đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công năm 2024 đối với 16 dự án, trong đó, điều chỉnh giảm 562 tỷ đồng ở 11 dự án. Dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn giảm 500 tỷ đồng.

Đồng thời, điều chỉnh tăng 562 tỷ đồng vốn đầu tư ở 5 dự án gồm: dự án nâng cấp đường ĐT746 đoạn từ cầu Gõ đến bến đò Hiếu Liêm, tăng 37 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước, tăng 464 tỷ đồng.

Để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (đến hết tháng 1/2025), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao chỉ tiêu cho từng nhóm dự án; trong đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị được giao tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), phấn đấu đảm bảo giải ngân hết 3.893 tỷ đồng đạt tỷ lệ 87% tổng vốn đã giao.

Đối với nhóm các dự án liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng, phải đảm bảo tiếp tục giải ngân thêm để đạt mục tiêu không thấp hơn 29.858 tỷ đồng. Đối với nhóm dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo tiếp tục giải ngân thêm không thấp hơn 333 tỷ đồng.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị có kết quả giải ngân từng tháng thấp hơn số liệu đã báo cáo theo kế hoạch đề ra và thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của thành phố.

Các cơ quan, đơn vị dự kiến giải ngân cả năm 2024 đạt tỷ lệ dưới mức dự kiến giải ngân chung của thành phố cần rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân và thực hiện ngay các giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân từ nay đến ngày 30/1/2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.