9 tháng qua, ngành du lịch Việt đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, vượt con số này cả năm 2023 là 12,6 triệu lượt. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
9 tháng qua, ngành du lịch Việt đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, vượt con số này cả năm 2023 là 12,6 triệu lượt. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Các địa phương tăng tốc để sớm “cán đích” mùa cao điểm du lịch cuối năm

Là những điểm đến hàng đầu của bạn bè năm châu trên hành trình khám phá Việt Nam, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội và Đà Nẵng cho biết đã lên kế hoạch chi tiết cho mùa cao điểm khách quốc tế cuối năm.

9 tháng qua, ngành du lịch Việt đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, vượt con số này cả năm 2023 là 12,6 triệu lượt. Trên đà này, hiện các địa phương đang tăng tốc với nhiều kế hoạch hành động để có thể sớm “cán đích” trong mùa cao điểm khách ngoại.

Hà Nội sẵn sàng cho mùa cao điểm cuối năm

Cùng với động lực từ chính sách thị thực đã thông thoáng hơn và hàng loạt chương trình xúc tiến quảng bá ở nhiều quốc gia, các chuyên gia kỳ vọng trong những tháng còn lại của năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Là một trong những điểm đến hàng đầu của bạn bè năm châu trên hành trình khám phá Việt Nam, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội cho biết đã lên kế hoạch chi tiết cho mùa cao điểm khách quốc tế cuối năm. Đáng chú ý, theo thông tin từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, khách tham quan tại các di tích trên địa bàn Thủ đô trong 9 tháng tăng mạnh, doanh thu phí hoàn thành vượt 82% kế hoạch cả năm.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh nhận định cuối năm thường là cao điểm lượng khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội để trải nghiệm nhân dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch. “Đối với hoạt động này, chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đón tiếp,” ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, Sở đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch rà soát các sản phẩm cũng như cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Du khách quốc tế trải nghiệm nhịp sống Thủ đô Hà Nội bằng phương tiện "đậm chất Việt Nam." (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách quốc tế trải nghiệm nhịp sống Thủ đô Hà Nội bằng phương tiện "đậm chất Việt Nam." (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Sau dịch COVID-19, nguồn nhân lực du lịch cũng bị ảnh hưởng, chất lượng giảm sút. Vì thế, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Đặc biệt, về hoạt động xúc tiến quảng bá, hiện chúng tôi đang phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia thực hiện các đoàn xúc tiến ở nhiều nước khác nhau, như gần đây nhất là cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia có hoạt động xúc tiến du lịch-điện ảnh bên Mỹ,” ông Hồng Minh cho hay.

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội cũng có các chương trình phối hợp với Vietnam Airlines xúc tiến tại thị trường Đức, hay kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức xúc tiến ở thị trường Trung Quốc hoặc các nước châu Âu là những thị trường trọng điểm thu hút đông đảo du khách đến với Thủ đô.

“Ngay tại Hà Nội, chúng tôi cũng có kế hoạch xúc tiến, quảng bá, liên kết giữa các doanh nghiệp cũng như các tỉnh, thành phố để làm sao có được hoạt động hấp dẫn, thu hút khách trong mùa cao điểm cuối năm,” Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Sở cũng đã rà soát lại các sản phẩm du lịch hiện có, đặc biệt xây dựng các tour mới cũng như các chương trình, chính sách mới. Đơn cử như chương trình tour “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm khách sạn 4-5 sao,” là hưởng ứng của các khách sạn liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, từ lữ hành, hàng không, điểm đến.

vnp_le minh son (1).jpg
Lễ diễu hành kỷ niệm 70 Giải phóng Thủ đô vừa diễn ra cuối tuần qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chương trình tour nhằm mang đến ưu đãi, hấp dẫn người dân, du khách đến trải nghiệm dịch vụ cao cấp của Hà Nội với giá hợp lý nhất trong mùa du lịch cuối năm.

Đặc biệt, chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cũng là cơ hội cho ngành du lịch quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến tham gia trải nghiệm với nhiều nội dung đặc sắc.

Điểm nhấn là Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 có chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài,” với màn diễu hành của 1.000 người do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, vừa diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long.

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm nay diễn ra liên tục trong 3 ngày (từ 4-6/10), được đầu tư công phu, có quy mô lớn với sự tham gia của 6 nghệ nhân, 85 nhà thiết kế của 3 miền Bắc-Trung-Nam; gần 100 gian hàng của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, cơ sở phụ kiện, doanh nghiệp lữ hành…

Bên cạnh đó là chuỗi các sự kiện như: Trưng bày "Ký ức Hà Nội - 70 năm" tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội từ ngày 2-13/10, tại Không gian bích họa Phùng Hưng; Trưng bày chuyên đề và tour du lịch thực cảnh "Chuyện phố Hàng" từ ngày 4/10-31/12, tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm); Triển lãm ảnh "Hà Nội - Một thời để nhớ" từ ngày 10-31/10, tại 49 Trần Hưng Đạo (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), giới thiệu 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh), giúp người xem cảm nhận rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới...

vnp_le minh son (2).jpg
Tái hiện hình ảnh một thời hào hùng của lịch sử dân tộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chuỗi hoạt động được lãnh đạo ngành kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm Thủ đô.

Kinh nghiệm từ hình mẫu Đà Nẵng

Luôn đi đầu trong các hoạt động du lịch cả nước, Đà Nẵng đã trở thành hình mẫu tiêu biểu của ngành công nghiệp không khói nước nhà. Những kinh nghiệm của địa phương này được lan tỏa sẽ góp phần giúp các điểm đến học tập và phát huy thế mạnh riêng có.

Thành phố biển Đà Nẵng dự kiến đón 9,8 triệu khách trong năm 2024, với lượng khách quốc tế đạt khoảng hơn 4 triệu người. Lãnh đạo ngành địa phương đặt nhiều kỳ vọng vào các thị trường khách lớn truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu sẽ quay trở lại và đều có sự tăng trưởng hơn cùng kỳ…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cho hay: “Với hệ sinh thái sản phẩm luôn được làm mới, nhiều sự kiện; hệ thống dịch vụ phong phú, cao cấp, toàn diện, đảm bảo hầu hết yêu cầu của khách thì chúng tôi hy vọng 3 tháng cuối năm 2024 và sang 2025, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển bền vững cả nguồn khách trong nước và quốc tế. Trong đó, sẽ phát triển đa dạng dòng khách quốc tế, bền vững hơn về cơ cấu khách, phát triển theo chiều sâu các loại hình du lịch, khai thác thêm những sản phẩm mới của Đà Nẵng.”

Đà Nẵng, điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đà Nẵng, điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, theo ông Dũng, trong 3 tháng cuối năm, địa phương này sẽ có những chương trình xúc tiến rất sâu vào các thị trường có khả năng phục hồi nhanh như Malaysia, Indonesia, Phillipines. “Chúng tôi sẽ tổ chức Ngày hội du lịch thành phố Đà Nẵng từ ngày 17-20/10. Đây là sự kiện kết nối khoảng hơn 200 đối tác lữ hành trong và ngoài nước cũng như hơn 500 đội ngũ dịch vụ cả nước về với Đà Nẵng,” ông Dũng chia sẻ.

Đáng chú ý, đội ngũ doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng thường xuyên xúc tiến quảng bá sâu trên các nền tảng hướng đến nhóm khách hàng trực tiếp. Chính vì thế, khi khách đã cơ bản thay đổi xu hướng, chuyển sang tự tìm hiểu, tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ trực tiếp ở điểm đến thì Đà Nẵng bắt nhịp rất nhanh trong việc thay đổi hình thức tiếp cận khách hàng.

“Vẫn duy trì tiếp cận khách qua hệ thống trung gian, theo hình thức chuyên sâu nhưng giờ đây chúng tôi mở rộng thêm hình thức xúc tiến thẳng đến khách hàng cuối cùng. Với sự thuận tiện của thông tin điểm đến cũng như sự hấp dẫn, tính cạnh tranh cao trong tìm kiếm thông tin và triển khai đặt dịch vụ trực tiếp, chúng tôi tin rằng khách sẽ luôn trở lại Đà Nẵng, đặc biệt trong mùa cao điểm khách quốc tế cuối năm,” ông Cao Trí Dũng bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục