Sáng 7/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết ngay sau khi có thông tin về các trường hợp trên địa bàn tỉnh liên quan đến ca mắc COVID-19, lực lượng chức năng đã giám sát, truy vết được hơn 600 người.
Từ ngày 28/4 đến 7/5, trên địa bàn tỉnh có 6.339 người từ các tỉnh, thành có dịch trở về địa phương. Qua công tác truy vết, lực lượng chức năng xác định được 35 người F1, 272 trường hợp F2 và 294 người là F3. Trong đó, liên quan đến ổ dịch Hà Nam có 8 trường hợp F1, 76 trường hợp F2; liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng có 26 người F1, 154 trường hợp F2 và liên quan tới ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 1 F1.
Hiện có 406 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và nơi lưu trú. Tỉnh thực hiện giám sát y tế đối với 69 trường hợp hoàn thành cách ly tập trung về địa phương.
Từ ngày 29/4 đến nay, tỉnh đã xét nghiệm RT-PCR cho 256 trường hợp. Kết quả có 184 trường hợp âm tính, 72 mẫu đang chờ kết quả. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 7.733 người thuộc các đối tượng ưu tiên.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương hạn chế cử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi công tác ngoại tỉnh, đặc biệt là ở những địa phương đang có dịch.
Trường hợp đã đi công tác ngoại tỉnh trở về địa phương bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch...
Công an tỉnh chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng kích hoạt các chốt kiểm tra y tế liên ngành kiểm soát người và phương tiện đến, đi qua địa bàn khi có yêu cầu; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện tại tuyến Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở khu vực thị trấn lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung, tiếp nhận cách ly từ 1.500-2.000 người. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động Trạm giám sát dịch tễ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đối với các phương tiện xe máy, xe thô sơ, người đi bộ tại Trạm trung chuyển hầm Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc đảm bảo hiệu quả.
Từ ngày 7/5, tỉnh tạm dừng hoạt động một số dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim, câu lạc bộ thể dục-thể thao trong nhà, khu vui chơi trẻ em... Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán càphê...) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện giãn cách, giảm tối thiểu 50% công suất phục vụ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định...
[Bài học đắt giá từ những ‘lỗ hổng’ trong phòng chống dịch COVID-19]
Tại Long An, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập thêm 3 khu cách ly tập trung, quy mô 889 giường.
Cụ thể, 3 khu cách ly tập trung mới được thành lập tại cơ sở Trường Trung cấp Y tế Long An (thành phố Tân An) quy mô 500 giường, cơ sở Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa quy mô 129 giường và cơ sở Ban điều hành Khu công nghiệp-Khu dân cư Hồng Đạt Phú Mỹ Vinh (huyện Đức Hòa) quy mô 260 giường.
Theo Giám đốc Sở Y tế Long An Huỳnh Minh Phúc, việc thành lập thêm các khu cách ly tập trung nhằm tăng cường năng lực phòng, chống COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh này đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Các khu cách ly tập trung tổ chức tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm trở về từ vùng dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Với việc thành lập mới 3 khu cách ly, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 11 khu cách ly tập trung, quy mô hơn 2.000 giường, trong đó có 5 khu đang hoạt động và các khu khác trong trạng thái sẵn sàng kích hoạt khi có chỉ đạo của cấp trên.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 7 cơ sở lưu trú có trả phí, quy mô hơn 200 phòng cũng được bố trí để thực hiện cách ly chuyên gia nước ngoài.
Tính đến ngày 7/5, các khu cách ly trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, cách ly gần 4.200 trường hợp.
Tại Lâm Đồng, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh siết chặt các hoạt động cắm trại ngoài trời do ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, phòng chống cháy rừng, vệ sinh môi trường, nhất là gây khó khăn cho công tác quản lý khách lưu trú trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, ngày 4/5, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã ra văn bản số 609/VHTTDL về tăng cường quản lý hoạt động du lịch cắm trại dã ngoại trên địa bàn tỉnh.
Sở đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc phối hợp triển khai một số nội dung gồm: chỉ đạo phòng, ban, Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát không cho phép công ty lữ hành, khách du lịch tổ chức hoạt động cắm trại dã ngoại tại khu vực công cộng khi không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của bãi cắm trại du lịch theo quy định tại Điều 28, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh loại hình du lịch cắm trại dã ngoại phục vụ du khách, Ủy ban Nhân dân các địa phương hướng dẫn thực hiện thủ tục hồ sơ theo quy định, cụ thể phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm...
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt trường hợp tự ý tổ chức hoạt động cắm trại dã ngoại tại khu vực công cộng (không thuộc quản lý của các khu, điểm du lịch) theo quy định./.