Các doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh từ “bí quyết” Monozukuri

Chương trình Monozukuri nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng TPS vào sản xuất và đã đạt được tiến bộ đáng kể trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.
Các doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh từ “bí quyết” Monozukuri ảnh 1Doanh nghiệp giao lưu tìm hiểu kinh nghiệm. (Ảnh: Văn Xuyên/Vietnam+)

Tại hội thảo “Monozukuri 10 năm một chặng đường tại Việt Nam” do Công ty Toyota Việt Nam (TMV), quỹ Toyota Việt Nam và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội, TMV cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình đã tổ chức thành công 36 khóa học cho gần 1.000 học viên; trong đó 562 học viên là các cấp quản lý của 119 doanh nghiệp trên toàn quốc, số còn lại là sinh viên xuất sắc của các trường đại học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, chương trình cũng thực hiện thành công 2 mô hình cải tiến thí điểm (Kaizen Showcase) tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chính xác Việt Nam I và Tập đoàn LeGroup, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng TPS vào sản xuất và đã đạt được tiến bộ đáng kể trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

Theo ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc TMV, Monozukuri - tạm dịch là bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh của Toyota.

Đây là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết những thành tựu mà chương trình Monozukuri đã đạt được sau 10 năm thực hiện. Đồng thời tạo cơ hội để các học viên giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như việc ứng dụng kiến thức vào việc cải tiến và nâng cao hiệu quả trong dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa ra định hướng đẩy mạnh triển khai chương trình Monozukuri tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp và sinh viên Việt Nam được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu, các bí quyết thành công của Toyota để nâng cao năng lực của bản thân, cũng như cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

Tại buổi hội thảo, bốn doanh nghiệp đã từng tham gia khóa học bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC1), Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại LeGroup, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Diesel Sông Công (DISOCO) và công ty Trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Vĩnh Hưng (TMI Vietnam) đã chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, cũng như những kết quả và thành tựu đạt được sau khi tham gia khóa học Monozukuri.

Các doanh nghiệp trên đang áp dụng hệ thống sản xuất Toyota (TPS) vào sản xuất và đạt được nhiều thành công đáng kể. Khi áp dụng kiến thức 5S vào thực tế, các doanh nghiệp đã cải thiện được môi trường sản xuất, giảm mặt bằng, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đồng thời tăng năng suất, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, giảm nhân công, giảm thời gian sản xuất sản phẩm, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm lãng phí, giảm tối đa lượng sản phẩm lỗi trong dây chuyền...

Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Thông qua hội thảo này, chúng tôi cũng mong muốn nhận được đóng góp của toàn thể doanh nghiệp, để hoàn thiện hơn nữa các hoạt động của chương trình, thảo luận để kết nối nhằm tạo ra mạng lưới những doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng những phương thức quản lý Monozukuri, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ và thành công”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.