Các hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc đang có kế hoạch gây quỹ thông qua việc tăng vốn để vượt qua đại dịch COVID-19 kéo dài và giúp cải thiện tình hình tài chính của họ.
Các hãng vận tải hàng không giá rẻ tại “xứ Kim chi” đã chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19 bùng phát và họ đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn do hoạt động kinh doanh không có dấu hiệu cải thiện khi đại dịch vẫn kéo dài.
Jeju Air Co., hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, có kế hoạch giảm vốn điều lệ xuống 5:1, do tỷ lệ “xói mòn” vốn của họ lên tới 29% trong quý I/2021. Hãng hàng không này đã quyết định triển khai kế hoạch huy động vốn trị giá 200 tỷ won (17,4 triệu USD) thông qua các đợt chào bán cổ phiếu vào tháng tới và sử dụng số tiền thu được làm vốn hoạt động.
[Thương vụ Korean Air mua Asiana được sự chấp thuận của nước thứ hai]
Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ khác là Air Busan, có tỷ lệ “xói mòn” vốn lên tới 34% trong quý I vừa qua, cho biết họ sẽ phát hành lượng cổ phiếu mới trị giá 250 tỷ won vào tháng 10/2021. Air Busan và Air Seoul Inc., các công ty con thuộc Asiana Airlines Inc., đã lần lượt nhận được 80 tỷ won và 30 tỷ won hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ Asiana trong năm nay.
Jin Air Co., công ty con của hãng hàng không quốc gia Korean Air Lines Co., cho biết họ đang xem xét các đề xuất để huy động thêm vốn, khi tỷ lệ “xói mòn” vốn của hãng này là 42% trong quý đầu tiên của năm nay.
Hãng hàng không T'way Air đã nhanh chóng thu được 80 tỷ won thông qua việc bán cổ phần vào tháng 4/2021, khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của hãng lên tới 886% vào cuối tháng Ba, tăng từ mức tương ứng 503% vào cuối tháng 12/2021./.