Các nền kinh tế châu Á ứng phó tác động của dịch bệnh do virus nCoV

Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hành động để ngăn chặn dịch bệnh này gây bất ổn cho các nền kinh tế trong khu vực.
Các nền kinh tế châu Á ứng phó tác động của dịch bệnh do virus nCoV ảnh 1Kiểm đồng baht Thái tại ngân hàng ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) vừa cắt giảm lãi suất và nhiều nước châu Á khác đã phát đi tín hiệu cho một động thái tương tự, trong bối cảnh các nước đều đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu những tác động từ sự bùng phát và lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

Nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang “chao đảo” do khách du lịch giảm mạnh và các tác động tiêu cực khác từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV, vốn đã lan rộng từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước tình hình đó, chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hành động để ngăn chặn dịch bệnh này gây bất ổn cho các nền kinh tế trong khu vực.

BoT ngày 5/2 đã cắt giảm lãi suất từ 1,25% xuống mức thấp kỷ lục 1% nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với một loạt các thách thức. Ngân hàng này cho biết chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình xoay xở trong bối cảnh các nguy cơ đang gia tăng do nợ nhiều lên.

Đợt hạn hán nghiêm trọng và những bất ổn do thương chiến Mỹ-Trung cũng đang phủ bóng lên triển vọng của Thái Lan, một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo BoT, năm 2020 kinh tế nước này được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đó và thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng do tác động của dịch do virus nCoV, hạn hán và việc trì hoãn ban hành ngân sách năm. Ngân hàng này nhận định xuất khẩu hàng hóa sẽ suy giảm cùng với các nền kinh tế của các đối tác thương mại và tác động từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng khu vực.

Giới phân tích dự đoán BoT sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa, có thể là trong tháng Ba tới.

Trong khi đó, Singapore, Philippines và Indonesia và nhiều nước khác cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần thiết. Cơ quan Tiền tệ Singapore ngày 5/2 cho biết có đủ khả năng để giảm lãi suất trước sự suy yếu của tình hình kinh tế do dịch bệnh. Còn Ngân hàng Trung ương Philippines hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%.

Khoảng 10% nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này còn cao hơn ở nhiều nền kinh tế như Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Malaysia. Các nhà xuất khẩu các hàng hóa lớn như dầu, than đá và quặng sắt có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ đà giảm tốc hơn nữa của kinh tế Trung Quốc.

Các chuyên gia của Fitch Solutions Macro Research mới đây dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ giảm từ mức 4,3% của năm 2019 xuống còn 4% nếu dịch bệnh nói trên khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc hơn nữa.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã dự đoán nền kinhtế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2020, thấp hơn mức 6,1% trong năm 2019. Báo cáo của Fitch ước tính Trung Quốc chiếm hơn 2/3 tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và gần 80% hoạt động đi lại.

Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, giới chức Thái Lan đã thực hiện một loạt biện pháp để xoa dịu tình hình cho giới doanh nghiệp, trong đó có cắt giảm thuế, nới lỏng các điều khoản trả nợ và kéo dài thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng Ba sang tháng Sáu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.