'Các nhà ngoại giao Việt Nam cần thích ứng với thời đại số'

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong đào tạo cho các nhà ngoại giao để đón nhận những thách thức và cơ hội trong thời đại số.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức khai mạc Hội nghị thường niên Giám đốc và Hiệu trưởng các học viện đào tạo ngoại giao các nước ASEAN+3 lần thứ 14 năm 2019 với chủ đề: “Tăng cường hợp tác về đào tạo ngoại giao giữa các nước ASEAN+3: hướng tới một cơ chế thực tiễn.”

Bên lề hội nghị, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, đã chia sẻ một số ý kiến xoay quanh những thách thức cũng như cơ hội của các nhà ngoại giao Việt Nam trong thời đại số.

Khẳng định kỹ năng về tri thức trong thời đại số đối với các nhà ngoại giao là vô cùng cần thiết và quan trọng, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong đào tạo cho các nhà ngoại giao.

Trong thời đại số, chiến lược đào tạo rất quan trọng vì cuối cùng và căn bản nhất của thời đại số chính là con người sử dụng công nghệ đó như thế nào. Đây là một vấn đề rất lớn trong lĩnh vực ngoại giao trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

[Hội nghị giám đốc và hiệu trưởng các trường đào tạo ngoại giao ASEAN+3]

Hiện nay, các nước như Anh, Mỹ, các nước Bắc Âu, Singapore, Australia đã đi đầu trong lĩnh vực đào tạo cán bộ ngoại giao về công nghệ số. Theo đó, các cán bộ ngoại giao, đối ngoại trước khi luân chuyển bắt buộc phải được đào tạo các kỹ năng về công nghệ số. Từ đó, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, họ sẽ sử dụng để tiếp cận được với công chúng của nước sở tại, tiếp cận với công chúng trong nước.

Cùng với đó, theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, các chương trình giảng dạy lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại, quan hệ quốc tế hiện nay cần có cách tiếp cận mới. Các trung tâm đào tạo phải có chương trình thích ứng với những thay đổi của giáo dục trên toàn cầu. Hiện nay, công tác đào tạo ở tất cả các ngành nghề đang thay đổi, ngành ngoại giao cũng phải thay đổi vì điều này tác động đến lợi ích quốc gia và việc thực thi chính sách.

Chương trình đào tạo của ngành ngoại giao cần cập nhật các ứng dụng công nghệ số, các thiết bị công nghệ mới như các chương trình học và công cụ học trực tuyến. Các chương trình học dành cho nhà ngoại giao cần có tính linh hoạt, cụ thể hóa những lợi ích, quan tâm của từng học viên; đồng thời tạo điều kiện cho nhà ngoại giao sử dụng các thiết bị công nghệ để học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ chương trình gì họ muốn. Quá trình học này là chủ động và tích cực chứ không còn thụ động lên lớp như cách học truyền thống hiện nay. Có như vậy, nhà ngoại giao mới có đủ kỹ năng để đáp ứng được sự thay đổi rất nhanh của thời đại số.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, chương trình học của ngành ngoại giao cần được soạn thảo theo hướng ngắn gọn, đơn giản, cụ thể hóa từng vấn đề, đáp ứng được tốc độ thay đổi của công nghệ, vì với thế hệ trẻ hiện nay, họ không dành nhiều thời gian chỉ quan tâm đến một vấn đề.

Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nêu rõ: "Hiện nay, trên thế giới đã hình thành ngoại giao số, các nhà ngoại giao sử dụng công nghệ số đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này là không thể tránh được và chúng ta cũng phải thay đổi, phải biết sử dụng công nghệ. Tất cả các bộ ngoại giao đang trao đổi chính sách về hình thành ngoại giao số, sử dụng mạng internet và các công nghệ mới phục vụ cho nhiệm vụ của nhà ngoại giao."

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng nhận định, các nhà ngoại giao phải biết cách ứng xử với những tác động tiêu cực của công nghệ số.

Cho rằng cán bộ ngành ngoại giao Việt Nam cần chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò kép, là Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, Việt Nam cùng lúc đảm nhận hai vai trò rất quan trọng của khu vực và toàn cầu.

Bối cảnh và môi trường hiện nay đã rất khác so với thời điểm cách đây 10 năm, khi lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Trong thời đại số, các nhà ngoại giao phải hoạt động đồng thời nhiều "mặt trận" cùng lúc. Một mặt là phải tiếp tục triển khai các đường lối chính sách và nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó khi Việt Nam đảm nhận vai trò kép này. Mặt khác, nhà ngoại giao phải tự tìm hiểu và được đào tạo về công nghệ số.

Nhà ngoại giao phải nhận thức được rằng nhu cầu hợp tác quốc tế trong thời đại công nghệ số là rất khác trước, đó là các vấn đề về an ninh, kinh tế, xã hội, phát triển bền vững và bao trùm.

Do đó, nhà ngoại giao phải vừa triển khai tích cực, vừa không ngừng nắm bắt vấn đề bởi nếu không họ sẽ không thể tìm ra được những quan tâm chung để đi "trúng" trong việc thực hiện nhiệm vụ của vai trò kép đó. Đây là quá trình vừa tự học vừa được đào tạo, là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các nhà ngoại giao Việt Nam trưởng thành trong hai năm tới.

Đánh giá về khóa đào tạo xử lý và quản lý khủng hoảng bên lề hội nghị lần này, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết: Nội dung xử lý và quản lý khủng hoảng đã được đưa vào chương trình đào tạo của ngành ngoại giao nhiều năm nay.

Tuy nhiên, tại hội nghị này, với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế, các giáo sư, giảng viên ở các nước có nhiều kinh nghiệm như Anh, Australia, các nhà ngoại giao ASEAN, các nhà ngoại giao Việt Nam sẽ học được cách xử lý khủng hoảng, biến động và những sự cố trong thời đại số. Thế giới hiện nay đang biến động khôn lường, tính bất ổn, bất định ngày càng gia tăng. Do đó, nội dung học lần này rất thiết thực với các nhà ngoại giao, giúp họ sẵn sàng đối mặt với thách thức trên.

Bên cạnh đó, nội dung khóa học xử lý khủng hoảng của các nhà ngoại giao có những nội hàm mới thiết thực đối với các nước ASEAN +3 nói chung và Việt Nam nói riêng, giúp Việt Nam hiểu rõ vấn đề, ứng phó tốt hơn, có thêm kiến thức để làm tốt vai trò kép trong hai năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục