Các quốc gia vùng Vịnh cần chuẩn bị đối phó với giá dầu giảm

Ngày 4/5, IMF kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ khu vực vùng Vịnh cắt giảm chi tiêu công gồm cả các khoản trợ cấp tài chính cho một số lĩnh vực.
Các quốc gia vùng Vịnh cần chuẩn bị đối phó với giá dầu giảm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: nanaimobusinessnews.ca)

Ngày 4/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ khu vực vùng Vịnh cắt giảm chi tiêu công, bao gồm cả các khoản trợ cấp tài chính cho một số lĩnh vực, đồng thời cũng phải đa dạng hóa nền kinh tế để đối phó với tình trạng nguồn thu ngân sách giảm do giá dầu thô thế giới "lao dốc" mạnh như hiện nay.

Theo Giám đốc IMF phụ trách khu vực Trung Á và Trung Đông Masood Ahmed, các nước vùng Vịnh giàu có này sẽ không phản ứng thiếu linh hoạt trước tình trạng giá dầu hạ thấp.

Ông nhấn mạnh, họ đủ khả năng để dần điều chỉnh nguồn tài chính dồi dào đã được tích lũy trong nhiều năm qua nhờ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, nếu giá dầu thế giới "tụt" xuống dưới mức đủ để hòa vốn, họ sẽ phải dần điều chỉnh ngân sách một cách cương quyết hơn, cắt giảm chi tiêu và củng cố tình hình tài chính.

Kể từ tháng 6/2014 tới đầu năm nay, giá dầu đã giảm gần một nửa giá trị. Dự kiến, mặt hàng nhiên liệu chiến lược này sẽ tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng đủ để hòa vốn đối với các quốc gia vùng Vịnh trong vòng 3-4 năm tới.

Đáng chú ý là các nền kinh tế thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), lại đều phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ lĩnh vực năng lượng.

Thặng dư ngân sách của các nước GCC trong năm 2014 đạt 76 tỷ USD.

Tuy nhiên, IMF dự báo rằng trong năm nay tình hình sẽ đảo ngược khi mức thâm hụt ngân sách của nhóm này sẽ lên tới 113 tỷ USD. Con số dự báo này chưa tính tới ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Yemen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.