Chiều 9/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đã ký ban hành công điện số 14 về việc tập trung ứng phó với bão số 12.
Theo đó, toàn thể học sinh trong tỉnh sẽ nghỉ học từ ngày 10/11 cho đến khi hết bão.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu đơn vị quản lý cáp treo Vinpearland ngừng hoạt động kể từ 21 giờ ngày 9/11 cho đến khi bão kết thúc.
Ngành du lịch tiếp tục rà soát, thống kê số lượng du khách đang lưu trú tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển và trên đảo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách đang lưu trú tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện trên địa bàn tỉnh 161 tàu cá với 1.344 lao động đánh bắt ở các vùng biển đã nắm được thông tin, vùng biển nguy hiểm của bão để chủ động tránh trú an toàn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương giữ liên lạc với 2.378 bè, 91.708 lồng với khoảng 13.600 lao động đang được vận động vào bờ.
Hiện có 31 hồ chứa nước (28 hồ chứa thủy lợi, 3 hồ chứa thủy điện) đang ở mức nước trung bình. Tổng dung tích trung bình các hồ là 154,7 triệu m3, chiếm 62% so với tổng dung tích thiết kế. Các đơn vị quản lý hồ chứa đã và đang tổ chức trực ban 24/24h theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết.
Thông tin từ ông Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa cho biết trước thông tin bão 12 đang hoạt động trên Biển Đông, nguy cơ ảnh hưởng đến các đảo trên quần đảo Trường Sa, các đơn vị trên các đảo đã và đang triển khai chằng buộc nhà cửa, cắt tỉa cành cây, có phương án đưa phụ nữ, trẻ em đến khu vực an toàn, tổ chức các đội tổ công tác trực 24/24h; đồng thời hướng dẫn tàu thuyền vào lòng hồ âu tàu neo đậu tránh trú bão.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 12 có khả năng gây mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, chiều 9/11, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai một số nhiệm vụ cấp bách.
Theo đó, các địa phương cần tổ chức sơ tán người dân tại vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, đặc biệt các khu vực như thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc; khu vực huyện A Lưới; khu vực bờ sông, ven sông suối như sông Thượng Nhật, sông Tả Trạch, sông Bồ; dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên huyện A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh lộ 71 qua huyện Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua huyện Nam Đông, đường cao tốc La Sơn-Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đô thị để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
[Bão số 12 di chuyển nhanh về khu vực Trung và Nam Trung Bộ]
Các địa phương trong tỉnh cần rà soát những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh có phương án bảo vệ, di chuyển các trang trại chăn nuôi an toàn; Chi cục Kiểm lâm tỉnh có phương án bảo đảm an toàn cho các trạm kiểm lâm khu vực miền núi.
Sở Công Thương và các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra vật tư, thiết bị vận hành cửa van, hệ thống điện dự phòng, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, y tế tại các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh như Bình Điền, Hương Điền, Bitexco Tả Trạch, A Lưới, A Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, A Lin B2; đảm bảo an toàn cho người lao động tại các nhà máy thủy điện; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ để đề phòng mưa lũ dài ngày.
Đối với các công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được vận hành phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn. Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng quy định pháp luật về phòng chống thiên tai.
Các chủ đập thực hiện nghiêm túc lệnh vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước cao nhất trước lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du.
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên-Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại cảng các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va, trôi; có phương án bảo đảm an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn xử lý tràn dầu tàu Jakarta mắc cạn, bị gãy tại bãi Chuối chân đèo Hải Vân; tàu Công Thành 27 đang chìm tại vùng biển xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc...
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều 9/11 đến ngày 12/11 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được dự báo sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, biển động mạnh.
Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có khả năng lên trên báo động 2, đến báo động 3. Thời tiết trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp và mưa có khả năng kéo dài đến ngày 16/11 tới.
Trước diễn biến bão số 12 đang hướng vào sát đất liền của tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương và người dân đang tích cực thực hiện các biện pháp ứng phó.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến 17 giờ ngày 9/11, tại thị xã Sông Cầu, ngư dân đã đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, người dân đã chủ động chằng chống, di chuyển dần tài sản vào đất liền.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên kiểm tra, thông báo về tình hình bão số 12 cho tất cả chủ tàu thuyền, lồng bè; kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè, tàu thuyền và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản với lý do "bảo vệ tài sản."
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu, cho biết chính quyền địa phương đã tập trung thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn ở các điểm như Xuân Phương, Xuân Hải, Xuân Thọ.
Người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông đã được yêu cầu đi vào bờ tránh trú bão trước 18 giờ ngày 9/11. Thị xã cũng đang tập trung rà soát, di dời các hộ dân sống ở các điểm xung yếu (trũng thấp, triều cường) đến nơi an toàn.
Bão số 12 được cảnh báo gây mưa lớn, sóng biển cao, gió giật mạnh từ đêm 9/11. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất và triều cường.
Chính vì vậy Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai phương án phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là khu vực nuôi trồng thủy sản; gia cố đê kè, đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết các biện pháp phòng, chống bão số 12 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ và hoàn thành trước 18 giờ ngày 9/11. Toàn tỉnh hiện còn 76 tàu với 490 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả các chủ phương tiện đã nhận được tin bão và tìm được nơi tránh trú an toàn.
Chính quyền các xã, nơi có nguy cơ ngập lụt, đã thực hiện việc di dời dân đến nơi an toàn. Tại xã An Chấn (huyện Tuy An) có khoảng 300 người được di dời; tại xóm Rớ (thành phố Tuy Hòa) 700 người được di dời.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến 17 giờ ngày 9/11, tỉnh đã di dời 2.073 hộ với 5.709 khẩu khỏi khu vực ven biển, nơi có nguy cơ ảnh hưởng của bão, nước lũ gây chia cắt cục bộ, đến các nơi an toàn./.