Tổng diện tích cà phê của cả nước hiện vào khoảng 600.000 ha (diện tích càphê cho thu hoạch là trên 500.000 ha), chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, hiện Đăk Lăk đứng đầu cả nước về diện tích càphê với 200.000 ha, Lâm Đồng đứng thứ hai với 151.000 ha.
Theo thống kê, hiện có tới 25- 30% diện tích càphê già cỗi cho năng suất thấp, cần phải trồng tái canh.
Việc tái canh không hề đơn giản khi nguồn lực có hạn, kỹ thuật, cây giống và đặc biệt là vấn đề thiếu vốn nên diện tích tái canh hàng năm không nhiều.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, kinh phí cho việc tái canh không còn là rào cản nữa. Ngân hàng Nhà nước đã cam kết với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dành một gói tín dụng cho chương trình này.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là đơn vị chủ lực triển khai gói tín dụng cho vay tái canh cây càphê từ 8.000-10.000 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2016.
Bài 1: Thay vườn càphê già cỗi để hồi sinh một vùng đất
Tái canh càphê là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm cải tạo lại vùng đất trồng cà phê lâu đời cằn cỗi của các tỉnh Tây Nguyên để nâng cao năng suất, chất lượng càphê xuất khẩu từ đó cải thiện đời sống bà con.
Tái canh là việc làm cấp thiết
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong những năm qua ngành càphê Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 1980, cả nước chỉ có 22,5 ngàn ha, năng suất bình quân 0,78 tấn/ha với sản lượng 8,4 ngàn tấn, nhưng đến nay cả nước đã có gần 600 ngàn với năng suất bình quân 2 tấn/ha.
Sự phát triển nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Tây Nguyên và người trồng càphê.
Tuy nhiên, thực tế phát triển cây càphê ở Việt Nam trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của cây càphê và nâng cao thu nhập cho người trồng càphê.
Đó là, sự phát triển diện tích càphê không theo quy hoạch và không kiểm soát được dẫn đến sự suy giảm nguồn nước, gia tăng nạn phá rừng tác động xấu đến môi trường và đe dọa chính sự phát triển bền vững của cây càphê.
Bên cạnh đó, diện tích càphê già cỗi-những vườn cây có độ tuổi trên 20 năm, sinh trưởng kém, năng suất thấp (dưới 1,5 tấn/ha) và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo, chiếm tỷ lệ cao.
Nếu không có kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt chương trình tái canh, đến năm 2020 phần lớn diện tích càphê Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn giã cỗi.
Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đời sống cây càphê có thể kéo dài hàng trăm năm, nhưng giai đoạn sung sức nhất chỉ từ năm thứ 5 đến năm thứ 15.
Trên 25 năm cây càphê sẽ già cỗi, năng suất thấp, sức đề kháng thấp, sâu bệnh sẽ phát triển. Tuổi thọ cây càphê ở ta thấp hơn thế giới vì được đầu tư thâm canh, tăng năng suất cao quá.
Ðặc biệt, khi giá càphê lên cao, để đạt năng suất tối đa, người sản xuất sử dụng phân hóa học, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức khuyến cáo, trong khi ít bón hoặc không bón phân hữu cơ, tiết giảm hoặc loại bỏ cây che bóng để tăng mật độ càphê.
Hậu quả của tình trạng thâm canh quá mức đó đã làm cho vườn càphê nhanh xuống cấp, sâu bệnh gia tăng, chi phí và giá thành tăng cao, mức độ rủi ro cũng lớn khi mất mùa hoặc giá thành hạ, nguồn nước tưới và đất trồng nhanh chóng thoái hóa.
Vì vậy, diện tích càphê già cỗi đang là mối đe dọa đến sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam, chính vì vậy việc tái canh vườn càphê đang trở nên cấp thiết.
Cái khó vẫn “bó” tái canh
Chương trình tái canh cà phê đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ ngành đốc thúc triển khai nhưng để làm “trẻ hóa” lại vùng đất càphê này cần một lượng tín dụng không nhỏ bơm vào.
Ông Nguyễn Văn Thạnh ở H.Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông có 2 ha càphê gần 30 năm tuổi, năng suất chỉ còn khoảng 1,2 tấn/ha, muốn phá bỏ để trồng lại càphê nhưng tính ra mất 5-6 năm mới cho thu nhập.
“Nếu không cải tạo đất thì nguy cơ sâu bệnh rất cao, còn cải tạo thì mất hai đến ba năm mới có thể trồng lại càphê. Hơn nữa, để tái canh, chi phí mỗi ha mất hàng trăm triệu đồng nên gia đình tôi thấy chưa kham nổi,” ông Thạnh thổ lộ.
Khá nhiều hộ trồng càphê trong vùng cũng chần chừ như ông Thạnh trước viễn cảnh tốn kém nhưng lại mất nguồn thu nhập trong mấy năm liền, buộc phải “gắn bó” với vườn càphê già cỗi.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu việc tái canh càphê gặp khó, chủ yếu là vì việc này cần ít nhất 2 năm cải tạo đất và 3 năm kiến thiết cơ bản. Trong khi đó, nông dân không muốn chờ đợi, vì như vậy bà con bị cắt đứt thu nhập trong thời gian quá dài. Nông dân nóng vội dẫn đến kết quả thất bại 88%.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, nếu không trồng luân canh mà để cho đất nghỉ từ 2-3 năm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn, còn nếu trồng lại ngay thì tỷ lệ cây sống chỉ đạt khoảng 70-80%, nhưng đến năm thứ ba còn 40% và đến năm thứ tư, thứ năm thì chỉ còn lại 20% số cây sống sót.
Thậm chí, nhiều cây trong số này sau đó lại tiếp tục nhiễm bệnh từ các mầm bệnh của vườn càphê trước còn lại trong đất chưa được xử lý hết nên lại mau chóng già cỗi, năng suất thấp.
Như vậy, để đảm bảo tái canh càphê thành công, nông dân cần chờ đợi ít nhất 5 năm, thất thu ít nhất 150 triệu đồng/ha. Cùng với đó, vốn đầu tư cho các khâu cày bừa, cây giống, phân bón, chăm sóc… trong 3 năm/ha cà phê tái canh, có thể lên đến hơn trăm triệu đồng. Vừa bị hụt thu, vừa phải đầu tư thêm là khó khăn lớn, nông dân khó vượt qua./.
Bài 2: Vốn cho tái canh càphê đã sẵn sàng đợi xuất...