Các xu hướng đầu tư dài hạn trên toàn cầu được thúc đẩy thời COVID-19

Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới đang trở nên số hóa hơn, tự động hơn và nhạy cảm với sự bền vững hơn khi lối sống và nền kinh tế đang có những thay đổi sâu sắc.
Các xu hướng đầu tư dài hạn trên toàn cầu được thúc đẩy thời COVID-19 ảnh 1Đại dịch COVID-19 thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của thương mại điện tử. (Nguồn: Shutterstock)

Theo các chuyên gia và các cố vấn đầu tư, đại dịch COVID-19 kéo dài gần một năm qua đang làm thay đổi cục diện đầu tư, với các xu hướng dài hạn đang mạnh lên. Thế giới đang trở nên số hóa hơn, tự động hơn và nhạy cảm với sự bền vững hơn khi lối sống và nền kinh tế đang có những thay đổi sâu sắc. 

Sự phát triển nhanh hơn của thương mại điện tử, giải trí trực tuyến và làm việc từ xa đã khiến con người trở nên phụ thuộc hơn vào thế giới số.

Việc giá cổ phiếu của Zoom Video Communications Inc. và Netflix Inc. tăng vọt là những ví dụ điển hình cho thấy những thay đổi rộng khắp có thể mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư ra sao. 

Theo một khảo sát của McKinsey đối với 899 giám đốc cấp cao trên toàn cầu, tỷ lệ trung bình của các hàng hóa và dịch vụ đã được số hóa một phần hoặc hoàn toàn đạt 55% tính đến tháng 7/2020, so với con số 35% vào tháng 12/2019, sự gia tăng phải mất 7 năm nếu là trước đại dịch.

Theo báo cáo triển vọng hàng năm công bố gần đây của UBS AG, chỉ riêng công nghệ 5G đã tạo ra doanh thu tiềm năng hàng năm 619 tỷ USD trong các lĩnh vực tự động hóa, dịch vụ video tăng cường, giám sát và truy dấu, xe công nghệ, thực tế tăng cường và các lĩnh vực khác.

Báo cáo cho rằng 5G mở ra vô số các mô hình kinh doanh và có thể thúc đẩy sự gia tăng của một thế hệ lãnh đạo các nền tảng, với sự thành thạo trong việc khai thác công nghệ này.

Theo UBS, chi tiêu vốn hàng năm cho việc sản xuất, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị 5G ước tính tăng từ 7,5 tỷ USD vào năm 2019 lên đến 150 tỷ USD vào năm 2025, trong khi hơn 1 tỷ thiết bị sẽ được kết nối mạng 5G trong ba năm tới.

[Bức tranh tiêu dùng của Đông Nam Á 'đổi màu' vì COVID-19]

Trong khi đó, doanh thu hàng năm của lĩnh vực công nghệ tài chính có thể tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2030, so với 150 tỷ USD vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng đáng kể trong thanh toán di động và từ xa cũng như thương mại điện tử.

Các nhà bán lẻ cho biết doanh số bán trực tuyến tăng trưởng đáng kể và ngày càng nhiều các doanh nghiệp như nhà hàng, các cửa hàng tạp hóa cũng như các thương hiệu thời trang giữ khách bằng những lựa chọn trực tuyến.

Theo Adobe Analytics, người tiêu dùng Mỹ đã chi 9 tỷ USD trong ngày Black Friday năm 2020, tăng 21,6% so với năm ngoái.

UBS cho rằng, một khi người tiêu dùng ngày càng quen hơn với việc sử dụng thanh toán số là chủ yếu, nhiều người sẽ không quay lại các hình thức thanh toán truyền thống. Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương từ châu Âu, Trung Quốc, tới các nơi khác đang tiến tới việc chấp nhận các đồng tiền kỹ thuật số.

Các xu hướng đầu tư dài hạn trên toàn cầu được thúc đẩy thời COVID-19 ảnh 2Robot dần thay thế con người trong bối cảnh các nước thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: Asahi Shimbun)

Bên cạnh đó, sự phát triển của các chuỗi cung ứng toàn cầu, đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm gia tăng tầm quan trọng của tự động hóa và robot.

Theo Giám đốc phụ trách các giao dịch và thuế quốc tế của Ernst & Young, Helen Xiao, một số doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược Trung Quốc+1 hoặc xây dựng các chuỗi cung ứng khu vực để có năng lực bổ sung, linh hoạt và có khả năng thích ứng trước những gián đoạn do căng thẳng thương mại và thuế quan.

Trong khi đó, hàng triệu việc làm bị mất trong đại dịch đã được thay thế một phần bằng robot khi các yêu cầu giãn cách xã hội tại các nhà máy cho thấy vai trò lớn hơn của tự động hóa.

Theo báo cáo năm 2020 của Liên đoàn robot học quốc tế (IFR), thế giới đã có 2,7 triệu robot công nghiệp đang hoạt động tại các nhà máy vào cuối năm 2019, tăng khoảng 85% so với năm 2014.

IFR cho rằng đại dịch COVID-19 có tác động lớn nhưng cũng đưa đến cơ hội cho việc hiện đại hóa và số hóa hoạt động sản xuất trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Tự động hóa giúp các nhà sản xuất tiếp tục hoạt động ở các nền kinh tế phát triển mà không phải đánh đổi về chi phí.

Theo một báo cáo của Bank of America Global Research, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được đẩy nhanh khi đại dịch cho thấy cần phải nhanh chóng và tăng cường tự động hóa trong sản xuất công nghiệp.

Bank of America Global Research nhận định việc đầu tư lượng vốn lớn vào việc điều chỉnh chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc có thể mang lại trên 100 tỷ USD doanh thu từ tự động hóa sản xuất công nghiệp trong 5 năm.

Theo UBS, trong dài hạn, tự động hóa kho hàng và nhà máy sẽ hưởng lợi tự sự phát triển của mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, sự bền vững đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các chính phủ trên toàn cầu khi loài người chịu những tổn thất lớn do các thiên tai trong năm nay.

Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đã cam kết sẽ không phát thải ròng khí thải trong vài thập niên tới, trong khi chính quyền mới của Mỹ có thể đưa nước này tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trở lại.

Theo UBS, đó là những mục tiêu dài hạn, nhưng các chính phủ có thể bắt đầu hành động vào năm 2021 để thúc đẩy tăng trưởng việc làm và hoạt động kinh tế, hỗ trợ đà phục hồi sau đại dịch.

Các quy định, các khoản đầu tư và trợ cấp của chính phủ sẽ được chuyển hướng sang việc thúc đẩy sử dụng xe điện, các nguồn năng lượng tái tạo, các giải pháp số.

UBS cho rằng khi thế giới chuyển hướng sang phát triển bền vững, nhiều cơ hội tăng trưởng trong thập niên tới sẽ liên quan đến lĩnh vực này. Đòi hỏi về sự an toàn và minh bạch hơn trong bối cảnh đại dịch có thể đưa đến sự tăng trưởng của các loại thực phẩm công nghệ cao.

Theo công ty dịch vụ tài chính Morningstar của Mỹ, trong năm 2020, tài sản thuộc quyền quản lý của các quỹ đầu tư theo các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ USD.

UBS cho rằng mối quan tâm đến các khoản đầu tư bền vững được thúc đẩy nhờ đại dịch và các nhà đầu tư xem việc đầu tư theo tiêu chuẩn ESG là một công cụ quản lý rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.