Trang mạng allafrica.com vừa có bài phân tích về những giải pháp mà một số cơ quan viện trợ quốc tế đang triển khai để hỗ trợ các hộ gia đình sản xuất nhỏ tại châu Phi nhằm đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng tại châu lục, nội dung như sau:
Trong bối cảnh khí hậu đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều ngành khoa học có thể hướng dẫn những nội dung cần thực hiện nhằm bảo đảm tốt hơn nền an ninh lương thực, cung cấp dinh dưỡng tốt hơn và ngăn ngừa tình trạng thiếu lương thực, đói nghèo ở châu Phi.
Tuy nhiên, điều vẫn còn thiếu chính là sự đầu tư nhất quán và rộng rãi nhằm hỗ trợ những nông dân sản xuất nhỏ để họ có thể đương đầu với khó khăn và đạt hiệu quả trong lao động.
Trong vài tháng qua, tình trạng mưa lớn dẫn đến lũ lụt đã xảy ra ở một số nước phía Đông và phía Nam châu Phi.
[Tham nhũng đe dọa giấc mơ đảm bảo an ninh lương thực của châu Phi?]
Ở Malawi, Mozambique, Zimbabwe và Tanzania, lũ lụt đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản, rất nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, phá hủy do lũ lụt.
Tuy nhiên, nghịch lý lớn nhất là chỉ vài tháng trước đó, khu vực này đã phải gánh chịu hạn hán nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người bị thiếu lương thực.
Liên hợp quốc cho biết tính đến tháng 3/2019, khu vực miền Nam châu Phi có khoảng 13 triệu người không đủ lương thực và cần được hỗ trợ.
Dữ liệu toàn cầu cũng cho thấy trong tương lai, các hộ gia đình sản xuất nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng tình trạng khô hạn hoặc hạn hán trên toàn thế giới trong năm 2018 cho thấy nhiệt độ toàn cầu đã tăng cao hơn, dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan, trong đó có hạn hán nghiêm trọng, và một số khu vực đang trải qua thời kỳ hạn hán dài hơn với mức khắc nghiệt cao hơn trước.
Cộng đồng quốc tế và chính phủ các nước cần đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ có thể đẩy mạnh sản xuất bất chấp hình thái thời tiết không mấy sáng sủa trong tương lai.
Trước tiên, các hộ nông dân sản xuất nhỏ cần được cung cấp các loại cây trồng có khả năng chịu được những thay đổi thời tiết khắc nghiệt. Các loại cây trồng có khả năng chống chịu hạn hán có thể giúp tăng sản lượng mùa màng ở các vùng khô hạn và khu vực giáp biên.
Tuy nhiên, các loại cây trồng như ngô, lúa miến và kê, được thực tế kiểm nghiệm có khả năng chịu được hạn hán, nhưng nguồn cung giống cho nông dân chưa được đảm bảo do hệ thống hạt giống yếu và dịch vụ khuyến nông hoạt động chưa hiệu quả.
Viện Nghiên cứu nông nghiệp Ethiopia đang nỗ lực nhằm đảm bảo cung cấp đủ các giống lúa miến mới có khả năng chịu hạn hán cho hàng trăm nghìn hộ gia đình tại nước này.
Thứ hai, việc mở rộng hệ thống tưới tiêu có thể giúp nông dân thâm canh tăng vụ trong một năm, giảm bớt tình trạng quá phụ thuộc vào lượng mưa.
Tuy nhiên, chỉ 6% diện tích đất trồng trọt ở châu Phi hiện nay có hệ thống tưới tiêu. Ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ cao về diện tích đất được tưới tiêu, việc quản lý và sử dụng các công trình thủy lợi cũng chưa hiệu quả.
Ở Mozambique, chỉ một nửa trong số 181.000 ha đất có hệ thống tưới tiêu đang được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, nguyên nhân chính là do trình độ quản lý kém, thiếu kiến thức và kỹ năng bảo trì cần thiết.
Mozambique đang thực hiện dự án mới nhằm trang bị kỹ năng cho các hộ sản xuất nhỏ để vận hành các chương trình tưới tiêu do cả nông dân và chính phủ tài trợ, tạo động lực cho nông dân quản lý hệ thống tưới tiêu thông qua liên kết hệ thống này với các thị trường và dịch vụ khuyến nông.
Ngoài hạn hán, nông dân còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác, trong đó sâu và bệnh gây hại vẫn là mối đe dọa chính đối với sản xuất cây trồng.
Vì vậy, yếu tố thứ ba cần xem xét là đầu tư vào các công nghệ quản lý sâu bệnh để bảo vệ cây trồng. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tình trạng mất mùa do sâu bệnh đã giảm trong những năm qua, song khi khí hậu ấm lên, nguy cơ sâu bệnh gây hại cho mùa màng sẽ tăng.
Việc tìm ra những biện pháp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường nhằm quản lý dịch bệnh là chìa khóa để giảm thiệt hại đối với mùa màng do sâu bệnh gây ra.
Cuối cùng, ngoài các biện pháp trên, nông dân sản xuất nhỏ cần được bảo vệ trước nhiều rủi ro thông qua các sản phẩm bảo hiểm khí hậu phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, các công cụ bảo hiểm dành cho nông dân sản xuất nhỏ hiện rất ít và nhiều nông dân không tin tưởng vào các gói bảo hiểm, trong khi các công ty bảo hiểm cũng coi nông dân là những nguồn rủi ro về bảo hiểm.
Những cải tiến mới trong công nghệ điện thoại di động và hình ảnh vệ tinh đang mở ra những phương thức mới để phát triển các sản phẩm bảo hiểm chăn nuôi dựa trên chỉ số phù hợp với nông dân.
Tại Kenya, Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp và rủi ro khí hậu sẽ triển khai dự án kết hợp hình ảnh vệ tinh và hình ảnh về mùa màng bị thiệt hại do nông dân cung cấp để đưa ra các gói bảo hiểm cho hơn 100.000 nông dân trên cả nước.
Đây là một trong số các biện pháp nhằm cải thiện an ninh lương thực và điều kiện dinh dưỡng đối với châu Phi được tài trợ bởi Quỹ Gây dựng tương lai châu Phi - quỹ hình thành do sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế Canada và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia.
Quỹ này đã đầu tư khoảng 26 triệu USD ở phía Đông và Nam châu Phi, sử dụng tiến bộ khoa học nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, xây dựng khả năng chống chịu của nông dân sản xuất nhỏ trước các thách thức.
Để đảm bảo những biện pháp đưa ra ở trên thành công, Quỹ Gây dựng tương lai châu Phi đã dành ưu tiên đối với phụ nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới tính trong việc tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng lợi ích từ những cải tiến mới này./.