Theo bài viết đăng trên trang mạng The National Interest, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có thể nói là không mấy tốt đẹp.
Căng thẳng Mỹ-Trung xuất phát từ nhiều vấn đề, trong đó có cách thức xử lý ban đầu của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19 và cũng như việc Bắc Kinh áp dụng Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong.
Trong một thời gian dài, Mỹ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và mối quan hệ kinh tế giữa hai bên ngày càng khăng khít. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để Mỹ có thể gây áp lực với Trung Quốc, trong khi giảm sự phụ thuộc vào nước này.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Mỹ phải đối mặt với sự thiếu hụt các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và điều này dẫn tới việc thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tiên là đối với PPE và sau đó là hàng hóa nói chung, từ Trung Quốc về Mỹ.
Việc thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng về nước được đưa ra dựa trên giả định sai lầm rằng các chuỗi cung ứng toàn cầu kém an toàn hơn so với các chuỗi cung ứng trong nước. Tuy nhiên, việc đưa các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc không có nghĩa là tạo ra các chuỗi cung ứng hoàn toàn tại Mỹ.
Bằng chứng gần đây cho thấy chuỗi cung ứng tại Mỹ không thực sự linh hoạt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu Mỹ sản xuất phần lớn một mặt hàng mà nước này tiêu thụ và khi nền kinh tế Mỹ bị gián đoạn, đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nếu Mỹ sản xuất một số hàng hóa trong nước và nhập khẩu từ một số quốc gia khác nhau, thì rủi ro sẽ giảm bớt.
[Mỹ-Trung Quốc đạt đồng thuận về việc nối lại các chuyến bay thương mại]
Rất ít có khả năng chỉ một sự kiện đơn lẻ (như thiên tai, chiến tranh hoặc đại dịch) sẽ gây gián đoạn cho tất cả các nhà cung cấp. Và trong trường hợp một sự kiện như vậy, việc dự trữ khẩn cấp, như Thụy Sỹ đã làm, sẽ có hiệu quả hơn nhiều thay vì có một chuỗi cung ứng hoàn toàn trong nước.
Giao dịch thương mại giúp hạ giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng và đầu vào cho các doanh nghiệp Mỹ. Ngược lại, chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến người Mỹ mất nhiều việc làm hơn.
Việc tái định hình Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ giúp giảm các rào cản thương mại với các nước châu Á khác, thúc đẩy sự chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc và cho phép giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước khác.
Điều này sẽ giúp người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi phí trong bối cảnh giá cả tăng cao do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Từ bỏ TPP là trao quyền cho Trung Quốc trong khu vực, chính vì vậy Mỹ nên đảo ngược điều đó càng sớm càng tốt.
Thay đổi thuế về đầu tư
Có một cách tốt hơn nhằm tăng cường năng lực sản xuất của Mỹ so với việc cố gắng tìm cách lấy lại việc làm đã bị mất đó là giúp đầu tư vào Mỹ dễ dàng hơn, bắt đầu với các quy định về thuế.
Theo luật hiện hành, các công ty phải khấu trừ các khoản đầu tư vào công trình thương mại và nhà ở trong vòng lần lượt là 39 và 27,5 năm. Việc cắt giảm thuế năm 2017 cho phép các công ty khấu trừ đầu tư vào máy móc và thiết bị ngay lập tức, nhưng những điều khoản đó dự kiến sẽ được thực hiện trong hai năm.
Đây là một vấn đề bởi vì các khoản khấu trừ trong tương lai ít có giá trị hơn so với các khoản khấu trừ hiện tại do lạm phát và giá trị tiền tệ theo thời gian.
Không cho phép các công ty khấu trừ toàn bộ giá trị chi tiêu cho các giao dịch trên làm tăng chi phí của các dự án, như một nhà máy mới hoặc thiết bị tốt hơn. Điều đó không có lợi cho người lao động bởi giảm đầu tư đồng nghĩa với tăng trưởng năng suất chậm hơn và do đó tốc độ tăng lương sẽ chậm hơn. Điều này cũng tạo ra bất lợi cho các ngành công nghiệp cần sử dụng vốn nhiều như ngành sản xuất.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, vào giữa những năm 2000, Trung Quốc đã ban hành cải cách gần như cho phép xóa toàn bộ nợ xấu trong năm mà công ty đó nắm giữ, và các công ty được hưởng lợi từ điều khoản này đã tăng đầu tư 38,4% và năng suất tăng 8,9%.
Tài trợ cho nghiên cứu
Ngoài việc thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực tư nhân, Mỹ cũng nên xem xét cải thiện cách thức chính phủ liên bang tài trợ cho nghiên cứu và phát triển. Việc tài trợ cho các nghiên cứu khoa học rất có ý nghĩa bởi sự đổi mới mang lại lợi ích lớn cho đất nước.
Không chỉ phần ngân sách liên bang dành cho nghiên cứu khoa học bị giảm mà cách tiếp cận để tài trợ cũng còn thiếu sót. Các khoản tài trợ thường dành cho nghiên cứu có rủi ro thấp và hiệu quả thấp, và điều này làm giảm tiềm năng của các nghiên cứu có thể đem lại sự tiến bộ lớn hơn.
Tăng tài trợ và xem xét lại cách thức tài trợ là hai ý tưởng mang lại lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét khía cạnh địa chính trị ở đây.
Giáo sư Charles Lieber, cựu chủ nhiệm khoa Hóa học và Hóa sinh học của Đại học Harvard, bị cáo buộc về tội nói dối mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức Trung Quốc, nơi ông đã nhận thù lao.
Như vậy, cải thiện quy trình phê duyệt cấp tài trợ cho nghiên cứu sẽ đem lại lợi ích cho cả chiến lược đổi mới và địa chính trị.
Mặc dù, đây không phải là một danh sách đầy đủ các chính sách kinh tế nhằm giúp Mỹ có thể đối phó với Trung Quốc mà không cần các hình thức áp lực chính trị và ngoại giao khác nhau. Nhưng các nguyên tắc kinh tế hợp lý sẽ và có thể giúp định hướng chính sách chống Trung Quốc./.