Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 18/11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, tinh giản biên chế, việc bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự… được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam thu hút sự quan tâm của cử tri các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương đã ghi lại ý kiến của cử tri xung quanh vấn đề này.
Cải cách thủ tục hành chính: Kết quả bước đầu và những hạn chế
Cử tri Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết điểm nổi bật của công tác cải cách hành chính trong những năm qua là việc giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính các cấp được quan tâm thực hiện đi vào nề nếp.
Hoạt động xây dựng, ban hành, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nề nếp; công tác kiểm tra cải cách hành chính được tăng cường. Tại tỉnh Bình Định, thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã mang lại kết quả bước đầu rõ rệt.
Đánh giá về việc cải cách hành chính trong khoảng 2 năm gần đây, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tiến độ thực hiện cải cách hành chính được thực hiện khá tốt.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đã triển khai rất tốt vấn đề này, nhất là trong các lĩnh vực hải quan, thuế, kế hoạch và đầu tư… Các thủ tục đã được tinh giản, công khai để người dân và doanh nghiệp nắm bắt dễ dàng.
Ngoài ra, các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp chính là cách hay để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các chủ trương, chính sách trong đầu tư, phát triển kinh tế.
Cũng theo cử tri Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định những hạn chế trong cải cách hành chính thời gian qua cần được khắc phục là một số bộ phận cán bộ, công chức và viên chức chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Sự tham gia, đóng góp của người dân, doanh nghiệp và công chúng vào quá trình cải cách hành chính còn ít.
Việc xây dựng, triển khai một số đề án, biện pháp, kế hoạch nhằm cải cách hành chính chưa được nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng tiến độ.
Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương chưa cao, chưa sát với thực tiễn nên còn hạn chế, chưa kịp thời áp dụng các chế tài trong công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực.
Công tác đánh giá cán bộ, công chức chưa được thực hiện đồng bộ, còn chưa thống nhất về hình thức; tiêu chí phân loại chưa cụ thể, rõ ràng cho nên chưa đánh giá chính xác được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng nghiệp vụ hành chính chưa theo kịp được yêu cầu đề ra. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 của các cơ quan hành chính Nhà nước còn hạn chế, tiến độ thực hiện còn chậm.
Là một cán bộ công chức đang thực thi nhiệm vụ cụ thể tại chính quyền cơ sở, cử tri Nguyễn Thị Minh Phượng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ngô Mây (thành phố Quy Nhơn) nêu ý kiến phường Ngô Mây là một trong những phường trung tâm của thành phố Quy Nhơn, quản lý 12 khu phố với gần 30 nghìn dân, trong đó có 10 nghìn dân tạm lưu trú nên công tác quản lý và thực hiện cải cách hành chính gặp nhiều khó khăn.
Tuy xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhưng việc tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở còn chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra; tình trạng phó thác công việc cải cách hành chính cho các cơ quan, công chức chuyên trách về cải cách hành chính còn khá phổ biến ở cơ sở.
Bên cạnh đó, do khó khăn về bố trí kinh phí nên việc hiện đại hoá công sở chưa đồng bộ, dẫn đến manh mún, phân tán; đội ngũ công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính chưa đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu đề ra...
Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hiện nhiều thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo, dẫn đến áp dụng không thống nhất ở nhiều nơi do có nhiều cách hiểu khác nhau.
Để thực hiện hiện đồng nhất và chính xác, cần phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời hạn chế sử dụng các giấy tờ “hành chính” như photo công chứng. Điều này sẽ giúp tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, đồng thời hạn chế được thái độ nhũng nhiễu, quan liêu của cán bộ, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Cần quyết liệt, công khai, minh bạch trong công tác cải cách hành chính
Theo bà Vũ Anh Thư, cử tri quận Ngô Quyền, Hải Phòng trong phần trả lời ý kiến chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời ý kiến đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về sự xuống cấp, vô cảm của một bộ phận công chức theo tôi đã giải quyết được một phần của vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, để tránh hiện tượng vô cảm giữa cán bộ, công chức của các cơ quan công quyền với người dân thì những người thực thi nhiệm vụ cần đặt mình vào vị trí của người đến làm việc (bác sỹ đặt mình trong vị trí bệnh nhân, người cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trong vị trí của người xin cấp sổ đỏ) để có thể thông cảm, thấu hiểu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng mới chỉ ra giải pháp chung nhưng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi thấy, để giải quyết thực trạng này, cần sự gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức cần được đào tạo về kỹ năng hành xử.
Thực tế cho thấy, chỉ cần sự nhắc nhở, điều chỉnh, gương mẫu của cấp trên sẽ tạo tác động, ảnh hưởng rất mạnh đến cấp dưới. Ngoài sự kiểm tra, đôn đốc trực tiếp của lãnh đạo cấp trên thì trong ứng xử hàng ngày cấp trên cũng luôn cần nêu cao tinh thần gương mẫu.
Để thay đổi hành vi ứng xử, cần có những khóa học, tập huấn để công chức, viên chức biết, mình đang thực thi nhiệm vụ, mà ví von thì giống như việc bán hàng.
Mỗi công chức, viên chức cần thấu hiểu, chính những người đang đến giải quyết công việc sẽ tạo ra ngân sách chi trả cho họ hàng tháng. Có như vậy, thái độ của một bộ phận làm công tác hành chính mới thay đổi.
Đánh giá về Đề án tinh giản biên chế đội ngũ công chức, luật sư Phạm Ngọc Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc tinh giản biên chế chưa được thực hiện tốt, thậm chí nhiều nơi bộ máy có chiều hướng “phình to” hơn.
Muốn nâng cao chất lượng công vụ, Bộ Nội vụ và các ngành cần phải đánh giá lại hiệu quả lao động của công chức, tính toán lại thời gian thực tế làm việc của cán bộ, công chức ở mỗi nơi.
Khi đó, chúng ta sẽ phân bổ biên chế cho phù hợp với đặc thù từng đơn vị, vị trí để tránh lãng phí nguồn lao động của nhà nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình nghiệp vụ cho công chức, nâng cao trách nhiệm cá nhân và xử lý kịp thời những sai phạm trong thực hiện công vụ.
Còn ông Dương Trọng Phúc, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, thì việc trang bị những “kỹ năng mềm” cho sinh viên rất quan trọng, nhất là những người sau này làm trong các cơ quan nhà nước, thường xuyên tiếp xúc với người dân.
Quan khảo sát, phần lớn sinh viên còn thiếu các các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, xử lý vấn đề.
Hiện các tổ chức Đoàn, Hội rất chú trọng trong vấn đề này để tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cho xã hội.
Cho rằng Đề án giản biên chế là cơ hội quý giá cho những sinh viên có nhu cầu, nguyện vọng làm việc trong các cơ quan nhà nước, ông Phúc nhấn mạnh khi tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức thì các cơ quan nhà nước luôn có nhu cầu tìm những cán bộ chất lượng, đa năng, nhiệt huyết… để đáp ứng khối lượng công việc cao.
Những vấn đề này, các bạn sinh viên đều có thể đáp ứng được nếu có ý thức tự rèn luyện và sự cố gắng nhất định.
Theo ông Đinh Thành Công, Nguyên Giám đốc sở Nội vụ Hải Phòng, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu, tôi rất phấn khởi khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo cử tri về việc Bộ Chính trị đã có Kết luận về chính sách thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Việc này được thực hiện sẽ tạo thay đổi rõ nét trong chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, thu hút được nhân tài đã khó, sử dụng và phát huy tài năng của họ còn khó hơn rất nhiều, nếu không thì sẽ nảy sinh tình trạng việc đào tạo sẽ thành vòng tròn luẩn quẩn nếu không có cơ chế đào tạo tiếp nối dài hơi hơn.
Về việc tinh giảm đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng cho biết sẽ đẩy mạnh thực hiện việc này trong năm 2015. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Khi nền kinh tế đi lên, có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Họ cần lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nên sẽ thu hút không ít cán bộ từ cơ quan Nhà nước ra làm việc. Khi kinh tế đi xuống, chiều hướng sẽ ngược lại, sẽ có rất nhiều người đổ xô vào cơ quan Nhà nước. Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án về quy định những tiêu chí cụ thể cho mỗi vị trí việc làm.
Đây là cách làm hay góp phần hạn chế tuyển dụng công chức, viên chức tràn lan, không đáp ứng nhu cầu công việc. Song muốn thực hiện được điều đó, cần quyết tâm, nỗ lực rất lớn và người đứng đầu phải thực sự quyết liệt, công khai, minh bạch trong công tác tổ chức thi tuyển ./.