Cải thiện tiếp cận công lý, thúc đẩy phụ nữ có việc làm an toàn

12 câu lạc bộ “Lao động và việc làm” được thành lập với gần 380 thành viên sinh hoạt tại 4 xã dự án. 1.600 người được tiếp cận thông tin pháp luật, thị trường lao động.
Cải thiện tiếp cận công lý, thúc đẩy phụ nữ có việc làm an toàn ảnh 1Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và người dân các xã hưởng lợi từ dự án. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Ngày 15/12, tại thành phố Đồng Hới, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Thúc đẩy phụ nữ có việc làm xứng đáng, an toàn và hợp pháp khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài thông qua cải thiện tiếp cận công lý về lao động.”

Dự án này thuộc hợp phần JIFF - dự án EU JULE trong khuôn khổ các sáng kiến do Liên minh châu Âu tài trợ.

Với chủ đề “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo ở Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm và thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động và y tế,” Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã triển khai dự án tại 4 xã Nhân Trạch, Đức Trạch, Hải Phú và Thanh Trạch (huyện Bố Trạch).

Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển cho biết trăn trở trước những khó khăn mà người lao động, các đối tượng yếu thế, nhất là phụ nữ gặp phải khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài, đơn vị đã triển khai dự án thông qua việc cải thiện, tiếp cận pháp luật về lao động, việc làm và giới, bằng cách thực hiện các quyền do Luật Lao động và các luật liên quan quy định.

Thông qua dự án góp phần giải quyết những vấn đề về quyền của người lao động, đặc biệt là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp và chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, phụ nữ địa bàn tái định cư được cải thiện, tiếp cận pháp luật để có việc làm xứng đáng, hợp pháp, an toàn.

Qua hơn một năm triển khai (từ tháng 9/2020 đến nay), Dự án đã đào tạo 40 tập huấn viên/truyền thông viên để tập huấn, truyền thông về Luật Bình đẳng giới 2006, các luật liên quan và các văn bản dưới luật.

12 câu lạc bộ “Lao động và việc làm” được thành lập với gần 380 thành viên sinh hoạt tại 4 xã dự án. 1.600 người được tiếp cận thông tin pháp luật, thị trường lao động.

Bên cạnh đó, thông qua triển khai dự án, 5 kênh truyền thông được hình thành để trao đổi thông tin về lao động nước ngoài. 200 người được tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; 50 vụ tranh chấp liên quan được giải quyết, 5 vụ đại diện cho người yếu thế trước tòa.

Đặc biệt, thông qua sáng kiến, người dân cân nhắc kỹ hơn khi lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ và thị trường lao động nước ngoài, hạn chế tình trạng bỏ trốn ra nước ngoài, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn...

Chị Lê Thị Cảnh, thành viên Câu lạc bộ “Lao động và việc làm” thôn Trung Đức, xã Đức Trạch bày tỏ, được sự quan tâm của dự án, Câu lạc bộ đã thành lập và hoạt động rất hiệu quả.

Thành viên câu lạc bộ là người địa phương, hội viên phụ nữ, người có nhu cầu đi lao động nước ngoài, người đã đi lao động nước ngoài trở về, người có nhu cầu tìm hiểu cho bản thân, con cái và người thân đi lao động nước ngoài.

Cải thiện tiếp cận công lý, thúc đẩy phụ nữ có việc làm an toàn ảnh 2Tặng hoa chúc mừng CLB "Lao động và việc làm" thôn Bắc Hồng-xã Nhân Trạch. (Nguồn: quangbinhwdf.org.vn)

Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thường xuyên, định kỳ, phổ biến, thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động, nâng cao năng lực và kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan.

Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt, câu lạc bộ lồng ghép tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, phụ nữ khởi nghiệp...

Hoạt động của câu lạc bộ đã lan tỏa đến nhân dân trong thôn, xã, tác động tích cực, giúp người dân có kiến thức, thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Quản lý cấp cao Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) đánh giá cao kết quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong quá trình triển khai dự án tại tỉnh.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, dịch COVID-19…, đơn vị đã nỗ lực khắc phục thực hiện hiệu quả các hoạt động liên quan và đạt được những chỉ số, mục tiêu đã đề ra.

Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về Luật Lao động và các quy định pháp luật, văn bản liên quan khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, nhất là đối với lao động nữ.

Bà Trần Thị Thu Hiền cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thị trường lao động nước ngoài cũng chịu tác động và một số nơi đang đóng cửa. Từ kết quả dự án, chúng ta có thêm cách thức, sáng kiến mới để hỗ trợ, đồng hành với phụ nữ, kết nối lao động địa phương với công ty, doanh nghiệp trong nước.

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương nếu có những sáng kiến mới phù hợp, đồng hành với đối tượng yếu thế, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số…/.

Cải thiện tiếp cận công lý, thúc đẩy phụ nữ có việc làm an toàn ảnh 3Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và người dân các xã hưởng lợi từ dự án. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục