Bánh Namparang, bánh giá hạt điều, bánh xoắn, bánh xèo nhị sắc, bánh nắn lá mơ, bánh canh gõ,… là những loại bánh mà tôi cũng như nhiều du khách chỉ mới nghe thấy và thưởng thức lần đầu tiên khi đến với Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 8, vừa diễn ra tuần qua tại thành phố Cần Thơ.
Nơi tập trung đông du khách nhất tại Lễ hội có lẽ là khu vực trình diễn chế biến bánh dân gian. Tại đây, các nghệ nhân, cơ sở chế biến, doanh nghiệp đến từ các quận, huyện của Cần Thơ và 18 tỉnh, thành trong cả nước đã giới thiệu đến các thực khách nguyên liệu và cách thức chế biến bánh dân gian.
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2019 có hơn 200 gian hàng, trong đó có tới 100 gian hàng trưng bày các loại bánh dân gian Nam Bộ và 100 gian hàng giới thiệu đặc sản phong phú của các vùng miền. Đó là những loại bánh dân gian được gìn giữ ở mỗi vùng đất, miền quê, cộng đồng hay là những món bánh gia truyền qua nhiều thế hệ của một gia đình nào đó. Đến với lễ hội bánh, du khách có thể thưởng thức và cảm nhận hương vị đặc biệt mà những người thợ bánh đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm vào trong đó.
Ngoài ra, Lễ hội còn chia khu theo những chủ đề khác nhau như khu vực Chè Nam Bộ; khu vực Bánh dân gian Nam Bộ và tuổi thơ… nhằm giúp du khách có thể lựa chọn cho mình những trải nghiệm phù hợp.
Không chỉ lạ ở cái tên, mỗi loại bánh có một hình dáng, nguyên liệu và cách làm khác nhau, và dĩ nhiên cũng có những hương vị đặc trưng riêng. Được tận mắt chứng kiến người nghệ nhân làm bánh trong bộ trang phục áo bà ba thân thuộc, luôn tay nhào nặn bột, trộn nhân bánh, gói bánh, nấu bánh rồi được thưởng thức những chiếc bánh vừa mới ra lò còn nóng hổi mới thú vị và ngon lành làm sao!
[Canh bột lá yao - Món ăn truyền thống ngày Tết của người Ê Đê]
Du khách đến với lễ hội cứ thế lần lượt tham quan, tìm hiểu và thưởng thức các loại bánh, chè, vừa ăn tại chỗ, vừa mua mang về làm quà cho người thân, tạo nên sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn tại mùa lễ hội năm nay. Theo thống kê sơ bộ, trung bình các loại bánh được bán ra từ 300-500 cái/ngày, riêng bánh tét lá cẩm bán được khoảng 2.800 đòn/ngày, bánh bò 3.000 cái/ngày, nước thốt nốt 3000 ly/ ngày…
Hội thi bánh dân gian diễn ra trong khuôn khổ lễ hội đã thu hút 83 nghệ nhân tham gia trình diễn cách làm 70 loại bánh dân gian. Các loại bánh được dự thi dựa trên tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguyên liệu từ thực phẩm, ngũ cốc, rau, củ quả sạch và được chế biến với hình thức thiết kế hấp dẫn, ấn tượng, thể hiện lên được đặc trưng của địa phương, vùng, miền…
Các nghệ nhân làm bánh dân gian đã trổ tài làm những món bánh sở trường của mình, góp phần giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến với nhiều người. Du khách được trực tiếp theo dõi các hoạt động làm bánh, những cách làm bánh độc đáo, sáng tạo, cũng như tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, về các loại bánh dân gian hiếm thấy.
Du khách Bùi Thất đến từ Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết: “Tôi đã thưởng thức được nhiều loại bánh tại lễ hội lần này, có những loại bánh tôi được ăn từ thuở nhỏ nhưng bây giờ mới có dịp thưởng thức lại, và được bày biện một cách ấn tượng, đẹp mắt hơn."
Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ tám còn diễn ra nhiều hoạt khác cũng không kém phần hấp dẫn như chương trình biểu diễn ca múa nhạc, trình diễn ẩm thực, biểu diễn thời trang Đẹp mãi Áo bà ba; tọa đàm Thị trường nào cho bánh dân gian đã thu hút nhiều du khách, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và doanh nghiệp tham gia./.
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành một sự kiện văn hóa, xã hội cấp quốc gia, góp phần quảng bá, bảo tồn và giới thiệu đến công chúng các loại bánh dân gian đặc trưng, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa và ẩm thực của vùng đất phương Nam. Lễ hội là một hoạt động thường niên của thành phố Cần Thơ, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa Nam Bộ nói chung và vùng đất Cần Thơ nói riêng. |