Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là “mốc vàng” của cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh các pho chính sử, những bức ảnh, thước phim tư liệu, công tác khảo sát, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là một “dòng chảy” quan trọng; góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm vóc thời đại của chiến thắng lịch sử này.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Văn Lâm, nguyên Thư ký Tổ tư vấn chuyên gia-Ban quản lý dự án Di tích Điện Biên Phủ xung quanh vấn đề này.
“Sống dậy” lịch sử
- Thưa Đại tá Hoàng Văn Lâm, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của công tác khảo sát, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ?
Đại tá Hoàng Văn Lâm: Khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là những công trình quân sự dã chiến thể hiện rõ nét bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất cao đẹp của cả dân tộc Việt Nam nói chung và của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng.
Việc khảo sát, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này có ý nghĩa quan trọng trong việc tái hiện, “làm sống dậy” những trang sử hào hùng của dân tộc; góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ và giáo dục thế hệ sau về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông.
- Với ý nghĩa to lớn như vậy, trong những năm qua, công việc này đã được triển khai như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Hoàng Văn Lâm: Từ năm 1956, nhà nước đã có chủ trương về việc bảo tồn, phát huy giá trị của các khu di tích lịch sử nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thời kỳ đó, việc bảo tồn, tôn tạo mới dừng lại ở mức độ khoanh vùng bảo vệ.
Với Quyết định số 225/QĐ-TTg (ngày 26/2/2003) của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên, khu di tích này có dự án tổng thể đề cập tới thực trạng, mục tiêu và giải pháp nhằm bảo tồn hiệu quả và phát huy giá trị trong đời sống.
Từ đó, các đơn vị chức năng đã nhiều lần đưa nhân chứng (các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, người dân từng sống ở khu vực đó) tới khảo sát bổ sung sáu di tích thành phần: Sở chỉ huy ở Mường Phăng; Cứ điểm 1, 2 thuộc cụm cứ điểm Him Lam; Đường hầm đặt bộc phá cứ điểm A1; Cứ điểm C1, 206; Trung tâm chỉ huy tập đoàn cứ điểm và Trạm hậu cần hỏa tuyến.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng đã khảo sát mới gần 30 di tích thành phần và tiến hành phục hồi, tôn tạo mới hàng chục di tích thành phần…
Chính trong quá trình khảo sát thực tế đó, kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ.
Sáng tỏ nhiều thông tin
- Cụ thể, những vấn đề đó là gì, thưa Đại tá?
Đại tá Hoàng Văn Lâm: Vào năm 2004, các nhân chứng lịch sử cùng với Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam xác định được cụ thể địa điểm anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh, lấy thân chèn pháo. Đó là xã Nà Nhạn, bên sườn núi Quả Chua (thuộc địa phận huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Bên cạnh đó, việc khảo sát cũng xác định rõ các địa điểm đặt sở chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nơi đặt sở chỉ huy thứ nhất là hang Thẩm Phúa (xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo), địa điểm đặt sở chỉ huy thứ hai là Huổi Hẹ Ộ (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) và sở chỉ huy thứ ba đặt ở xã Mường Phăng (huyện Điện Biên). Trước đó, một số tư liệu nhầm lẫn về các địa điểm này.
- Là người đã có 10 năm trực tiếp gắn bó với việc khảo sát trực tiếp khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, ông có khuyến nghị gì để việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này được hoàn thiện hơn, thưa Đại tá?
Đại tá Hoàng Văn Lâm: Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1272/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là di tích quốc gia đặc biệt.
Theo tôi, trong thời gian tới, việc khảo sát, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cần được đẩy mạnh hơn nữa; trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: Lập hồ sơ, thực hiện thủ tục xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ hơn 20 thành phần di tích đã khảo sát.
Tiếp theo, các đơn vị chức năng nên tiến hành phục hồi, tôn tạo các di tích thành phần như đồi Cháy, đồi Độc Lập, cứ điểm 206… Các di tích thành phần này ở ngay trong nội thành thành phố Điện Biên Phủ, rất thuận lợi cho việc thu hút khách tham quan, phát triển du lịch.
Giữ nguyên trạng vật thể vốn có, phục hồi các chi tiết hư hỏng theo đúng với nguyên gốc là yêu cầu quan trọng cần tôn trọng, triển khai trong quá trình bảo tồn các thành phần di tích.
Cùng với đó, theo quan điểm của tôi, các đơn vị chức năng cần phát huy vai trò của các nhân chứng lịch sử trong quá trình phục hồi, bảo tồn và tôn tạo các thành phần di tích thuộc khu di tích lịch sử này.
Về phía kinh phí thực hiện, tôi cho rằng, nên xã hội hóa để huy động thêm nguồn lực, đẩy nhanh quy mô và tiến độ khảo sát, phục hồi và tôn tạo di tích.
Bên cạnh đó, đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di tích, hướng dẫn khách tham quan... cần chuyên nghiệp hóa, không ngừng bổ sung, nâng cao tri thức văn hóa và ngoại ngữ./.
- Trân trọng cảm ơn ông!