Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính

Khẳng định tính cấp thiết của việc ban hành Luật Chuyển đổi giới tính trong bối cảnh xã hội hiện nay, các đại biểu Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật.
Quang cảnh Phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 12, sáng 25/4. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Sáng 25/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 12 với các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế.

Các đại biểu cho ý kiến về tình hình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo đối với các dự án, đề xuất thuộc lĩnh vực y tế-dân số; xem xét báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 thuộc lĩnh vực y tế-dân số.

Các đại biểu xem xét báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước bốn tháng và ước thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2019 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của Bộ Y tế.

Báo cáo về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến và trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2018; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 tháng 4/2019; dự kiến trình Quốc hội thông qua tháng 5/2019.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2019, tuy nhiên để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá thận trọng, khoa học và thực tiễn, Luật này sẽ được lùi thời gian trình Quốc hội (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5/2020, trình Quốc hội thông qua tháng 10/2020).

[Bộ Y tế tổ chức tham vấn về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính]

Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS đã được Bộ Tư pháp thẩm định và nhất trí đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020, hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật và dự thảo Tờ trình Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 12, sáng 25/4. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt yêu cầu quản lý cũng như bắt kịp các thành tựu kinh tế-xã hội đã đạt được, pháp luật về y tế những năm tiếp theo cần được xây dựng mới hoặc sửa đổi đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học-công nghệ trong y học; góp phần xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới một số luật về y tế, cụ thể: xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để thực hiện quyền được chuyển đổi giới tính quy định tại Điều 37 Bộ Luật dân sự năm 2015.

Hiện tại Bộ Y tế đã hoàn thành việc xây dựng Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật này, trong đó đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách, thực trạng người chuyển giới tại Việt Nam, người chuyển giới có liên quan…, chỉ chờ để đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội cho các năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Luật Chuyển đổi giới tính được Chính phủ đồng thuận, giao Bộ Y tế soạn thảo. Tính cấp thiết của Luật này đã được đánh giá và liên quan nhiều đến an sinh xã hội, tuy nhiên cần xem xét đến tính khả thi và cơ sở cung ứng.

Trong điều kiện cơ sở y tế đang tập trung cho vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng chất lượng y tế cơ sở, giải quyết vấn đề quá tải… bây giờ lại thêm nội dung này nữa thì đó là cả vấn đề.

Tuy nhiên, khẳng định tính cấp thiết của việc ban hành Luật Chuyển đổi giới tính trong bối cảnh xã hội hiện nay, các đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật làm cơ sở pháp lý để thực hiện quyền cho những người chuyển giới.

Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, dự kiến thời gian tới có một số luật về lĩnh vực y tế sẽ tiếp tục được xây dựng gồm Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2022; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023; Luật Y, dược cổ truyền dự kiến trình Quốc hội năm 2024; Luật Trang thiết bị y tế dự kiến trình Quốc hội năm 2025; Luật Mỹ phẩm dự kiến trình Quốc hội năm 2026.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2018 ngành y tế hoàn thành vượt hai chỉ tiêu mà Quốc hội giao: số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (chỉ tiêu là 26), đã đạt mục tiêu đến năm 2020 do Quốc hội giao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,7% dân số (chỉ tiêu là 85,2%); đồng thời, đạt và vượt 9/11 chỉ tiêu cơ bản của ngành.

Năm 2019, ngành y tế phấn đấu đạt và vượt hai chỉ tiêu mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao, gồm 27 giường bệnh/vạn dân và bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,1% dân số.

Cùng với đó, Bộ Y tế hoàn thành Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế theo Luật Quy hoạch mới; củng cố y tế cơ sở, công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe người dân, chất lượng dịch vụ y tế, tăng mức độ hài lòng của người bệnh; triển khai tốt các quy định về bệnh án điện tử; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính y tế, bảo hiểm y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục