Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với dịch giả Lương Việt Dũng về vấn đề này.
- Trước những phản hồi của một bộ phận độc giả cho rằng, thời gian gần đây, thị trường sách văn học dịch xuất nhiều bản dịch khá ẩu với những lỗi sai, những từ ngữ tục tĩu không phù hợp với quy phạm văn hóa Việt. Anh đánh giá thế nào về vấn đề này?
Dịch giả Lương Việt Dũng: Việc xuất hiện những bản dịch lỗi thời gian gần đây là điều có thật. Tuy nhiên, chúng ta cần xét tổng thể và nhìn sự việc một cách có hệ thống, tránh hiện tượng “ném đá” thiếu khách quan.
Về vấn đề này, tôi nhớ, Phó giáo sư Lê Hồng Sâm từng cho rằng, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, thực tế này cho thấy: Hiện nay, chúng ta đang ngày càng có nhiều ấn phẩm dịch hơn và trình độ (đặc biệt là trình độ ngoại ngữ) của người đọc cũng được nâng cao hơn rõ rệt. Độc giả có vốn ngoại ngữ đủ để đối chiếu, so sánh bản dịch với bản gốc để đưa ra những ý kiến đối thoại nhiều chiều với dịch giả, nhà xuất bản.
Ở khía cạnh này, tôi đồng ý với nhận xét của Phó giáo sư Lê Hồng Sâm. Nếu một tác phẩm dịch được giới thiệu mà không hề có ý kiến tranh luận, phản hồi từ phía người đọc thì đó chưa chắc đã là một tác phẩm tốt.
Tuy nhiên, tiếc rằng, theo quan sát của tôi, ở Việt Nam hiện nay còn thiếu một không khí tranh luận học thuật đúng nghĩa. Rất nhiều trường hợp, khi phát hiện một lỗi sai thì người ta thường có cách phản ứng rất cực đoan theo hướng chỉ trích chứ không phải là đóng góp ý kiến xây dựng. Đôi khi, người ta nói theo kiểu “cho sướng miệng” mà không cân nhắc tổng thể.
Còn việc các bản dịch tồn tại lỗi sai là điều khó tránh.
- Nếu nói vậy thì người đọc sẽ buộc phải chấp nhận và không thể trông chờ vào một bản dịch không sai sót?
Dịch giả Lương Việt Dũng: Thực tế là ngay cả với những bản dịch được đánh giá là tốt nhất của các dịch giả hàng đầu thì người ta vẫn tìm thấy những lỗi sai. Trong thực tế cuộc sống, không có gì là hoàn hảo, toàn mỹ.
Việc độc giả tiếp cận với một tác phẩm dịch cũng giống như việc họ mua một sản phẩm công nghiệp, kỹ thuật. Đôi khi, những sản phẩm đó cũng có những lỗi hỏng. Nếu những lỗi đó ở trong mức độ cho phép thì người ta vẫn có thể chấp nhận và sử dụng. Còn nếu ở mức độ lớn hơn thì chúng ta cũng có thể yêu cầu bảo hành, thay thế và thậm chí là đổi lại.
Thực tế, các đơn vị làm sách ngoài nhà nước cũng đã bắt đầu làm như vậy. Khi một ấn phẩm được phản ánh là có vấn đề, sau khi thẩm định lại, nếu thấy đúng là như vậy thì họ đã có động thái thu hồi, sửa chữa, in lại và đổi lại cho độc giả. Đó là khuynh hướng tốt.
Chúng ta không thể đòi hỏi mọi thứ tốt ngay từ đầu. Tất cả đều phải có quá trình để từng bước hoàn thiện mọi thứ.
- Vậy theo anh, nguyên nhân nào dẫn đến những sai sót như vậy?
Dịch giả Lương Việt Dũng: Nguyên nhân thì có nhiều, cả từ phía chủ quan và khách quan.
Có những thủ pháp diễn đạt rất đặc trưng trong tiếng gốc mà ở trong tiếng Việt lại không có phương tiện tương ứng để truyền tải. Lúc đó, người dịch sẽ phải tự cân nhắc, lựa chọn cách truyền tải cho phù hợp. Trong trường hợp này, việc chuyển ngữ phụ thuộc rất nhiều sự thẩm thấu văn hóa, vốn hiểu biết về cấu trúc, sắc thái ngôn ngữ gốc của dịch giả.
Thậm chí, ngay cả ở tiếng Việt, có những phương ngữ, nếu mình không sinh ra và lớn lên ở các vùng đó thì rất khó để cảm nhận được cái sâu xa nhất, cái linh hồn của chúng.
Việc bản dịch bị lệch so với nguyên gốc là chuyện đôi khi khó tránh khỏi. Vấn đề không đơn giản chỉ là do thái độ không cẩn trọng của người dịch.
Người ta vẫn nói, các dịch giả tiền bối có nhiều thời gian hơn để dịch nên sản phẩm của họ ít lỗi sai hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu. Nếu có thời gian khoảng một năm để dịch một quyển sách khoảng 200 trang thì sẽ khắc phục được tối đa sai sót. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, đôi khi, chúng ta cũng không thể làm được những điều như thế.
Hiện nay, yếu tố thị trường đóng vai trò rất quan trọng. Việc cân đối giữa chi phí và lợi nhuận rất quan trọng. Bây giờ không còn là thời kỳ nhà nước cấp tiền cho rồi dịch, xuất bản nữa mà. Các đơn vị làm sách đều phải tự tìm kinh phí, chịu trách nhiệm về ấn phẩm của mình.
Chúng ta không thể nói rằng, chỉ vì đam mê văn chương mà chúng ta đầu tư thật nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho việc dịch một tác phẩm. Để đưa được một ấn phẩm đến với độc giả thì cần rất nhiều khâu, nhiều bộ phận cùng vận hành: nhà xuất bản, biên tập viên, bộ phận phát hành… Bản thân dịch giả cũng phải sống.
Tôi tin rằng, tất cả những người còn đang dịch sách thì là những người thực sự yêu nghề. Nhất là trong khi với vốn ngoại ngữ của mình, người ta có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn là đi dịch sách.
- Bản thân anh đã từng bị “ném đá” vì dịch sai bao giờ chưa?
Dịch giả Lương Việt Dũng: Tiếc rằng những dịch phẩm của tôi chưa nhận được nhiều đối thoại từ độc giả. Có lẽ, nguyên nhân bởi, tôi dịch tiếng nhật và bản thân tiếng Nhật cũng chưa nhiều độc giả. Những người thành thạo tiếng Nhật ở Việt Nam cũng hạn chế hơn so với những người am hiểu tiếng Anh, tiếng Pháp… Vì thế, việc đối chiếu với bản gốc tiếng Nhật của độc giả hạn chế hơn so với những bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp.
- Trước hai luồng ý kiến khác nhau (một bên cho rằng nên “bản địa hóa” và một bên nêu ý kiến nên tôn trọng nguyên tác), quan điểm của anh nghiêng về hướng nào?
Dịch giả Lương Việt Dũng: Theo tôi, cả hai khái niệm “bản địa hóa” và “tôn trọng nguyên tác” cần được hiểu một cách linh hoạt. “Bản địa hóa” không có nghĩa là Việt hóa hoàn toàn tác phẩm và “tôn trọng nguyên tác” cũng không có nghĩa là dịch y nguyên theo lối dịch cơ học máy móc, tra nghĩa từ ngữ theo từ điển rồi đưa vào bản dịch.
Liên quan đến vấn đề này, người ta vẫn thường nói đến khái niệm “độ” trong dịch thuật. Nó phụ thuộc nhiều vào tính tương đồng giữa hai ngôn ngữ (về ngữ pháp, cấu trúc ngôn từ và các thủ pháp diễn đạt…) và ý đồ của dịch giả muốn đưa tác phẩm đến người đọc theo con đường nào.
Ví dụ, tôi dịch khá nhiều các tác phẩm của nữ nhà văn người Nhật Yoshimoto Banana. Một trong những đặc điểm văn phong của tác giả này đó là khai thác tối đa đặc trưng tiếng Nhật, có nghĩa là sử dùng những từ chỉ thị như “ấy, đó, kia.” Trong một câu, bà có thể dùng tới ba từ “ấy”: “cái ấy,” “nơi ấy,” “điều ấy.” Mà mỗi chữ “ấy” đó lại là để nói một điều gì đó ở bên trên.
Với độc giả Việt Nam, nếu tôi dịch nguyên những “cái ấy”, “nơi ấy,” “điều ấy” đó thì đôi khi, người đọc sẽ không thể hiểu đó là cái gì.
Trong những hoàn cảnh như vậy, nhiều khi tôi bắt buộc phải tường giải để câu văn sáng nghĩa. Còn trường hợp giữ nguyên mà độc giả vẫn có thể hiểu được theo mạch văn thì tôi bảo lưu đúng như nguyên gốc.
Trong lý thuyết dịch có khái niệm “giá trị thông điệp.” Tức là thông điệp gốc ở trong nguyên bản thế nào thì chúng ta phải chuyển sang tiếng đích như vậy, không phải là bằng từ ngữ mà là bằng nội dung thông điệp.
Khi nói về một tiếng tục thì chúng ta phải xét xem ngữ cảnh của nó thế nào. Ví dụ, khi tả những bà hàng cá đang cãi nhau thì hiển nhiên không thể dịch “thanh” được. Yêu cầu với dịch giả trong trường hợp này là phải truyền tải đúng không khí, tinh thần của cuộc cãi vã đó.
Mà cái không khí đó như thế nào thì chúng ta phải xét xem, trong tiếng gốc, mức độ tục của tiếng chửi đó ở ngưỡng nào, đã đạt đến mức cao nhất chưa? Nếu đã là mức cao nhất thì bất chấp tiếng gốc đã dùng từ thế nào, khi chuyển sang tiếng Việt, chúng ta vẫn phải truyền tải bằng một từ biểu thị đúng sắc thái cao nhất đó.
Cụ thể hơn, trong tiếng gốc, nếu câu đó dịch nguyên sang tiếng việt thì về mặt từ ngữ, có thể nó không tục đến như thế. Nhưng trong ngôn ngữ gốc, người ta đã coi đó là tiếng chửi cao nhất, tệ nhất, xúc phạm nhất thì khi sang tiếng Việt, ta cũng phải tìm từ tương đương. Tức là người Việt đọc cũng phải thấy được sắc thái xúc phạm tương tự.
Đó là cách dịch truyền tải được không khí cũng như giá trị thông điệp trung thành nhất.
- Trân trọng cảm ơn anh!./.