"Cần sớm công bố an toàn môi trường biển cho người người dân biết"

Hiện có quá nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường như một hình thức để các doanh nghiệp qua mắt được để đầu tư.
"Cần sớm công bố an toàn môi trường biển cho người người dân biết" ảnh 1Cá chết tại vùng biển miền Trung. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Hiện có quá nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường. Như vụ Formosa vừa qua, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn mang tính chất chung chung quá. Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp qua mắt được để đầu tư.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ, diễn ra sáng nay (18/7), tại Hà Nội.

Hơn 1 tháng mới “hiểu” được Formosa

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định phải đánh giá tác động môi trường ngay từ khi chủ đầu tư mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, thực tế thực hiện lại không khả thi.

“Như vụ Formosa vừa qua, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn mang tính chất chung chung quá. Tôi có cảm giác, đánh giá tác động môi trường hiện nay như một hình thức để các doanh nghiệp qua mắt được để đầu tư,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trước thực tế nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cho phép cơ quan chức năng xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng. Lúc đó mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường.

Cùng với yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động mông trường, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện công tác thanh-kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là với những dự án có quy mô lớn.

“Như khi vào thanh tra Formosa vừa qua, cả trăm nhà khoa học cùng thanh tra, nhưng phải mất hơn một tháng, đoàn mới mô tả được nhà máy có quy trình công nghệ ra sao, từ đó mới phát hiện ra được sai phạm..,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn chứng.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng thừa nhận, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra những vụ xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là vụ hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Theo ông Tài, vụ cá chết tại ven biển miền Trung là sự cố môi trường chưa từng có ở Việt Nam. Chính vì thế, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải triển khai kịp thời các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các công trình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng thừa nhận, vấn đề môi trường hiện nay đang quá “nóng” nhưng năng lực để ứng phó xử lý, phòng ngừa, quản lý nhà nước đảm bảo phát triển bền vững về môi trường hiện còn bất cập. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương để ứng phó, xử lý sự cố kịp thời.


[Vụ chôn chất thải Formosa: “Cần đối chứng để có kết quả chính xác”]

"Cần sớm công bố an toàn môi trường biển cho người người dân biết" ảnh 2Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: T.Đ/TTXVN)

Cần công bố an toàn môi trường biển cho người dân

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thẳng thắn cho rằng, tình hình ô nhiễm môi trường đang ngày nghiêm trọng. Đặc biệt là việc xả thải trực tiếp các chất thải chưa được xử lý, có độc hại có khả năng gây ô nhiễm ra môi trường (ao, hồ, kênh mương, đặc biệt là ra biển).

Theo Phó Thủ tướng, việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn gây bức xúc trong xã hội. Điển hình như vụ cá chết hàng loạt ở ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế).

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục rà soát ngay các chính sách pháp luật về môi trường; phải khắc phục bằng được sự chồng chéo, lấp đầy chỗ trống về pháp luật, để tất cả các vấn đề, hành vi gì trong thực tiễn đòi hỏi thì đều có pháp luật điều chỉnh.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường phải thực hiện ngay việc kiểm soát từ khâu đánh giá tác động môi trường của dự án, nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường của dự án để cho phép dự án đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án lớn; thiết lập mạng lưới trạm quan trắc tại các điểm xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm để có thể kiểm soát 24/24 giờ.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp phép hoạt động đối với cơ sở có chất thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; phải xử lý nghiêm mọi vi phạm, không loại trừ bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào. Nếu cần thiết có thể chuyển qua cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng đối với vụ sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài việc kiểm tra giám sát cơ sở hạ tầng của Formosa, cần sớm có đánh giá đối với môi trường biển ở khu vực 4 tỉnh miền Trung.

Đặc biệt là “công bố an toàn môi trường biển cho người dân, doanh nghiệp biết và sớm ổn định sản xuất, ổn định kinh doanh và đánh bắt hải sản. Khi đã có đủ căn cứ rồi, các đồng chí có thể tổ chức cuộc họp báo, mời các nhà khoa học đến để công bố trên căn cứ khoa học.” - ông Phó Thủ tướng yêu cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục