Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc, huyện Thường Tín (Hà Nội) sẽ là nơi bảo tồn, tôn vinh văn hóa làng nghề và truyền thống hiếu học của địa phương.
Chủ trương xây dựng nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương của các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học, song cách thức triển khai xây dựng đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Hội thảo do Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín tổ chức ngày 1/12 về xây dựng “Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc” đã cho thấy điều đó.
Dự thảo đề án xây dựng Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc gồm 10 hạng mục: Văn từ, nhà thờ Thánh vua Trần Nhân Tông, nhà thư tịch cổ, nhà không gian danh nhân, nhà không gian làng nghề, nhà không gian văn hóa... Công trình được xây dựng trên diện tích 1,5ha, với số vốn đầu tư dự kiến là 68 tỷ đồng theo hình thức huy động xã hội hóa.
Hiện nay, đề án xây dựng đang được gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xin chủ trương, cho phép đầu tư xây dựng.
[‘Làng nghề, phố nghề’ và những tinh hoa của đất kinh kỳ]
Tuy vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng đề án còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Theo đó, đề án ghép chung Văn chỉ, Văn từ và làng nghề truyền thống là không phù hợp. Việc đưa tổ nghề truyền thống đất trăm nghề vào chung một khuôn viên và bố trí sát bên hông công trình Văn từ Thượng Phúc là khập khiễng.
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng huyện Thường Tín không thể và không được phép xây dựng công trình vinh danh tổ nghề, danh nhân, làng nghề, văn hóa cổ vào nội tự không gian Văn từ Thượng Phúc.
Hiện nay, Việt Nam có 900 Văn từ, Văn chỉ nhưng chưa có bất kỳ Văn từ, Văn chỉ nào có cấu trúc hỗn hợp như vậy. Ông cho rằng cần xây hai khối kiến trúc được tách biệt với nhau bằng một khuôn viên cây xanh.
Còn phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nhận định việc trùng tu hay xây dựng Văn từ Thượng Phúc và việc xây dựng mới khu nhà truyền thống vinh danh làng nghề là hai vấn đề khác nhau.
Chính vì vậy, việc vinh danh đề cao làng nghề truyền thống ở Thường Tín cần được xây dựng thành một đề án riêng với mục đích, nội dung riêng biệt, đồng nghĩa ở đây là dự kiến thực hiện một khu đất riêng với nội dung hạng mục phù hợp với chủ đề làng nghề truyền thống.
Thượng Phúc-Thường Tín là miền đất cổ, cửa ngõ phía Nam Kinh thành Thăng Long xưa nên được coi là miền đất văn hiến, văn vật, đất trăm nghề. Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc là đề án văn hóa lớn thứ hai huyện đang xúc tiến đầu tư sau đề án xây dựng Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê./.