Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đang triển khai kế hoạch đầu tư gần 2.100 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới tại huyện Phong Điền, 82% trong số vốn đó được huy động ngoài ngân sách.
Với kinh phí trên, thành phố đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao; xây dựng đường liên xã, ấp kết hợp phát triển thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 170km nhằm bảo đảm giao thông thông suốt và tưới tiêu 100% diện tích đất nông nghiệp.
Thành phố cũng xây dựng các khu vực sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc gia cầm theo hình thức trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn; xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác và các tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng mới chợ xã Mỹ Khánh, nâng cấp chợ Tân Thới, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long, Giai Xuân; nâng cấp các điểm bưu chính viễn thông, đưa 100% số ấp kết nối Internet; đưa điện về nông thôn để 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hỗ trợ 1.278 hộ dân xây nhà cấp bốn; nâng cấp trường học, trạm y tế, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động đến tuổi...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho biết quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Phong Điền chia làm hai giai đoạn. Từ nay đến cuối năm 2015, Cần Thơ xây dựng bốn xã Mỹ Khánh, Giai Xuân, Tân Thới và Nhơn Ái, huyện Phong Điền đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của thành phố Cần Thơ.
Trước hết, các xã đạt các tiêu chí về hệ thống dịch vụ công, một cửa hiện đại, xóa nhà tạm trong dân, củng cố hệ thống đê bao vườn cây ăn trái trên địa bàn, bảo vệ môi trường gắn với khôi phục diện tích vườn cây ăn trái, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đến năm 2017, thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới của hai xã còn lại là Nhơn Nghĩa và Trường Long, nâng tổng số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới là 6/6 xã trên địa bàn huyện.
Cũng đến thời điểm này, thành phố phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại Phong Điền còn dưới 6%; đến năm 2020 còn dưới 4% và 6/6 trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia, 72/72 ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa, bảo vệ môi trường./.