Cần Thơ tụt 23 hạng xuống 29/63 về chỉ số cải cách hành chính

Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Cần Thơ lại tụt 23 bậc, từ hạng 6 năm 2018 xuống hạng 29/63 tỉnh, thành năm 2019, xếp thứ 5 trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Cần Thơ tụt 23 hạng xuống 29/63 về chỉ số cải cách hành chính ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Cần Thơ tụt 23 hạng về chỉ số cải cách hành chính là thông tin được đưa ra trong Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 7/8.

Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của Cần Thơ là 81.25, cao hơn 0.15 so với năm 2018.

Tuy vậy, xếp hạng của Cần Thơ lại tụt 23 bậc, từ hạng 6 năm 2018 xuống hạng 29/63 tỉnh, thành năm 2019, xếp thứ 5 trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 1 bậc), xếp thứ 5 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (giảm 3 bậc).

Đây là thứ hạng thấp nhất của Cần Thơ từ năm 2012 đến nay.

Giải trình lý do, Ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, ở chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính,” Cần Thơ mất điểm ở tiêu chí “Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao” do 1 nhiệm vụ hoàn thành muộn so với thời gian quy định.

Chỉ số “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật,” Cần Thơ chỉ đạt 72.49%, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành do có 1 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp kiểm tra và kiến nghị xử lý nhưng đến thời điểm đánh giá thì thành phố vẫn chưa xử lý xong.

Chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính,” Cần Thơ giảm 31 bậc so với năm 2018, xếp vị trí 36 cả nước. Nguyên nhân do tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn ở các sở, ngành còn thấp, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường chiếm 99,44% hồ sơ trễ hẹn của thành phố, với 29.071/29.236 hồ sơ.

Sáu tháng đầu năm 2020, tình trạng này chưa có dấu hiệu cải thiện, với lượng hồ sơ trễ hẹn tại Sở Tài nguyên và Môi trường lên đến 9.396 bộ.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Chí Kiên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2019, mỗi tháng Sở tiếp nhận 13.000 hồ sơ.

Cán bộ giải quyết hồ sơ xong trả cho người dân, doanh nghiệp nhưng lại không cập nhật trên hệ thống. Do đó, trên hệ thống thể hiện hồ sơ trễ hẹn là 10% nhưng thống kê của Sở thì lượng trễ hẹn chỉ khoảng 1,8%.

[Chỉ số PAPI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương qua 5 năm]

Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính,” Cần Thơ xếp hạng 11, chủ yếu mất điểm ở tiêu chí cơ cấu lãnh đạo tại các cơ quan hành chính chưa hợp lý, cấp phòng có nhiều lãnh đạo hơn so với chuyên viên.  

Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức,” Cần Thơ bị mất điểm do có cán bộ làm việc tại sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên. 

Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công,” Cần Thơ xếp vị trí 30 của cả nước, giảm 15 bậc so với năm 2018. Nguyên nhân là do chưa thực hiện tốt các nội dung tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư còn chậm; triển khai các nhiệm vụ về quản lý, sử dụng tài sản công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; tỷ lệ giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp chưa cao…

Chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính,” Cần Thơ xếp thứ 29 cả nước, giảm 16 bậc so với năm 2018, do thành phố chưa có hệ thống thông tin báo cáo, tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến còn thấp…

Trước những tồn tại trên, bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết rốt ráo.

Trong đó, Sở Nội vụ cần theo dõi sát và đề xuất tham mưu cho thành phố những giải pháp quyết liệt về tinh giản biên chế, sáp nhập các phòng và giảm số lượng cán bộ phòng, đảm bảo đúng số lượng cán bộ/chuyên viên.

Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng vi tính, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ viên chức các sở, ngành của thành phố, đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ mới.

Đối với việc còn nhiều hồ sơ trễ hẹn, bà Ánh cho rằng, các ngành chức năng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng công tác cập nhật số liệu lên hệ thống một cách chính xác và kịp thời, tránh tình trạng số liệu báo cáo sai lệch, ảnh hưởng xấu đến kết quả đánh giá chung của thành phố.

Ngoài ra, đối với các hồ sơ trễ hẹn, công chức viên chức cần chủ động liên hệ thông báo trước 2 ngày, tránh để người dân đúng hẹn lên lấy kết quả lại không có, gây phiền toái và mất thời gian của dân…

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm, Sở Kế hoạch Đầu tư cần nhanh chóng rà soát lại danh sách các dự án, thống kê các vướng mắc, đề xuất lên lãnh đạo thành phố phương hướng xử lý…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục