Canada đứng về phía EU trong vụ khiếu nại Trung Quốc tại WTO

EU đã khiếu nại Trung Quốc lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, có trụ sở tại Geneva, cáo buộc Bắc Kinh có hành động mang tính phân biệt đối xử trong lĩnh vực thương mại nhằm vào Litva.
Canada đứng về phía EU trong vụ khiếu nại Trung Quốc tại WTO ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Vilnius, Litva. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Ngày 10/2, chính phủ Canada thông báo đã đề nghị cùng với Anh, Mỹ và Australia tham gia các cuộc tham vấn trong khuôn khổ vụ khiếu nại tranh chấp thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Vụ tranh chấp xoay quanh việc EU cáo buộc Bắc Kinh có hành động cản trở thương mại nhằm vào Litva, một thành viên của liên minh.

Trong tuyên bố, Bộ các vấn đề toàn cầu Canada nêu rõ nước này quan ngại các hành động thương mại gần đây của Trung Quốc đối với Litva, cũng như hàng hóa và dịch vụ của EU liên quan Litva, có thể làm suy yếu hệ thống thương mại dựa trên luật lệ quốc tế, cũng như các thể chế liên quan. 

Canada phản đối mọi hành động mang tính cưỡng ép trong lĩnh vực kinh tế và ủng hộ thương mại quốc tế dựa trên quy tắc của WTO.

[Anh gia nhập làn sóng ủng hộ EU kiện Trung Quốc lên WTO]

Hồi tháng 1 vừa qua, EU đã khiếu nại Trung Quốc lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, có trụ sở tại Geneva, cáo buộc Bắc Kinh có hành động mang tính phân biệt đối xử trong lĩnh vực thương mại nhằm vào Litva.

EU cho rằng những hành động này đe dọa tính thống nhất của thị trường chung châu Âu.

Động thái của EU được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva, EU cáo buộc Bắc Kinh gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia cắt đứt liên hệ với quốc gia này.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố rằng tranh chấp với Litva là vấn đề chính trị, không phải kinh tế.

Theo quy trình, WTO cho các bên liên quan thời hạn 60 ngày để dàn xếp khiếu nại.

Nếu không đạt được thỏa thuận, EU có thể tiến hành khiếu kiện chính thức, mở ra quy trình thành lập một ban hội thẩm của WTO để xem xét các kiến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.