Theo Tuần san châu Á, tròn 20 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước Mỹ xuất hiện tiếng nói tiếc nuối, cho rằng điều này đã giúp sức mạnh của Trung Quốc trỗi dậy, tranh giành quyền thống trị với Mỹ trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển thần kỳ trong 20 năm qua của Trung Quốc cũng là điều Bắc Kinh không ngờ đến. Chính sự mở cửa mạnh mẽ đã làm thay đổi đất nước, khuyến khích sự sáng tạo của khu vực tư nhân và khu vực công, kết nối các tiêu chuẩn quốc tế, song vừa duy trì tính chủ thể của mình, không sao chép mô hình phương Tây, coi trọng ngành sản xuất, tích cực bồi dưỡng nhân tài, vừa có thị trường nội địa khổng lồ, phát huy toàn bộ hệ thống trên cả nước.
Trong thời gian đầu gia nhập WTO, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đều giải thể, dân số thất nghiệp tăng mạnh, nông dân hướng đến đô thị, cái giá phải trả rất đau đớn.
Tuy nhiên, lịch sử chứng minh Trung Quốc gia nhập WTO là một bước đi quan trọng để tạo dựng thành tựu hiện nay. Trung Quốc ngày nay kiên trì đổi mới sáng tạo, đột phá mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc…, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
“Động lực kép” của cường quốc công nghệ
20 năm gia nhập WTO, sự kinh ngạc lớn nhất mà Trung Quốc mang lại cho thế giới có lẽ là từ một đất nước phong cảnh hùng vĩ chuyển thành quốc gia đổi mới sáng tạo.
“Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố ngày 20/9/2021 cho thấy, vị trí xếp hạng tổng hợp về năng lực sáng tạo của Trung Quốc tăng lên thứ 20 thế giới.
Hơn nữa, chỉ số đổi mới sáng tạo của Trung Quốc cũng nằm trong nhóm 15 nước đầu tiên, nhìn chung được cho là bước vào hàng ngũ các nước đổi mới sáng tạo.
[Trung Quốc công bố mức tăng trưởng FDI năm 2021 đáng kinh ngạc]
Từ quốc gia lao động giá rẻ của thế giới, trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu chỉ trong vòng 20 năm ngắn ngủi, sự phát triển liên tục của khoa học công nghệ Trung Quốc chủ yếu dựa vào “động lực kép” đổi mới sáng tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo thể chế, cơ chế, trong đó các nhân tố trọng tâm bao gồm:
Nhân tài: Năm 2001, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc chỉ có 1,14 triệu, đến năm 2022 dự báo sẽ lần đầu tiên vượt 10 triệu. Năm 2019, tổng số nhân viên nghiên cứu và phát triển (R&D) toàn xã hội đạt khoảng 7,12 triệu người, trung bình cứ 10.000 người làm việc thì có 62 nhân viên R&D.
Xét từ dữ liệu kinh nghiệm thế giới, năng suất lao động và nguồn vốn nhân lực của các nước có mối quan hệ tương quan lẫn nhau. Hàng năm, các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc liên tục đào tạo ra những nhân tài sáng tạo, không ngừng bơm thêm động lực cho việc đổi mới sáng tạo công nghệ.
Thể chế toàn quốc: Đây là lợi thế quan trọng để Trung Quốc đổi mới sáng tạo công nghệ. Lấy việc nghiên cứu phát triển, sản xuất và phân phối vaccine làm ví dụ, lợi thế thể chế toàn quốc đảm bảo việc nghiên cứu phát triển vaccine của Trung Quốc đạt được thành tựu lớn, nhiều loại vaccine đưa ra thị trường một cách thuận lợi. Cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), thông tin lượng tử, vi mạch, y tế… được đưa vào các dự án công nghệ trọng điểm quốc gia, mọi người đang chờ xem liệu một số vấn đề “nút thắt cổ chai” của Trung Quốc có nhanh chóng được giải quyết bằng thể chế toàn quốc này hay không?
Căn cứ của ngành sản xuất: Trung Quốc là nước có các ngành công nghiệp hoàn thiện nhất trên thế giới, quy mô ngành sản xuất lớn nhất toàn cầu, sản lượng của 220 sản phẩm công nghiệp đứng đầu thế giới. Từ ốc vít đến các linh kiện và trang thiết bị loại lớn, tất cả tạo thành chuỗi sản xuất và hệ sinh thái công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, phối hợp thượng và hạ nguồn linh hoạt, cơ chế phân công hợp tác hiệu quả cao, có lợi cho việc thúc đẩy hình thành các hình thái, mô hình kinh doanh mới trong một thời gian tương đối ngắn.
Mở cửa: Thông qua mở cửa thúc đẩy kết nối hiệu quả thị trường Trung Quốc và thị trường bên ngoài, thúc đẩy sự lưu chuyển và phân bổ toàn cầu các nhân tố như công nghệ, đồng thời trao đổi nhân tài và hợp tác đổi mới sáng tạo với toàn cầu.
Nhu cầu của thị trường nội địa khổng lồ. Đáp ứng nhu cầu thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân trở thành mục tiêu và động lực quan trọng liên tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ.
Ý nghĩa của việc Trung Quốc gia nhập WTO
Ngày 11/11/2001, Bộ trưởng Tài chính, Kinh tế và Thương Mại Qatar - ông Yousef Hussain Kamal Al Emadi, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ tư tuyên bố thông qua việc Trung Quốc gia nhập WTO. Ngày 11/12 cùng năm, Trung Quốc chính thức ký văn kiện pháp lý gia nhập WTO, trở thành thành viên thứ 143 của tổ chức này.
Điều này được cho là một sự kiện nên được đưa vào sử sách. So với cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã làm thay đổi sinh kế của nhiều người hơn trên thế giới. Tuy nhiên, vào lúc đó, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO thành công, chính phủ thậm chí không tổ chức bất kỳ hoạt động chúc mừng nào, phản ánh sự chia rẽ của các ngành nghề đối với sự kiện này.
Không ít người trong nước lo lắng, quan ngại việc giảm thuế sẽ gây nên cú sốc đối với các ngành liên quan, đặc biệt là ô tô, nông nghiệp, viễn thông, tài chính. Do các doanh nghiệp nhà nước ở khu vực Đông Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề, ước tính sẽ xuất hiện tình trạng thất nghiệp trên quy mô lớn, ông Chu Dung Cơ khi đó thậm chí bị rất nhiều người căm ghét.
Tuy nhiên, người Mỹ lại tin rằng, “ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO không những liên quan đến lợi ích kinh tế, mà rõ ràng phù hợp với lợi ích quốc gia lớn hơn của Mỹ,” “không những sẽ kéo dài sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có của Mỹ, mà còn cung cấp cơ hội cho Mỹ, có lợi cho việc định hình tương lai của quốc gia phát triển nhất thế giới, giúp củng cố địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới.”
Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu quốc tế cao cấp Paul H. Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins vào ngày 8/3/2000, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Bill Clinton nhấn mạnh, “Trung Quốc không chỉ đồng ý nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhiều hơn, mà còn đồng ý nhập nội một trong những quan điểm giá trị được các nước dân chủ trân trọng nhất: Tự do kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc càng cởi mở, thì càng có thể giải phóng tối đa tiềm năng của nhân dân, đó là tính chủ động, khả năng tưởng tượng và tinh thần dám nghĩ dám làm phi thường của họ,” “khi cá nhân không chỉ có năng lực ước mơ, mà có có năng lực thực hiện ước mơ, thì họ sẽ cần quyền phát ngôn lớn hơn.”
Người tiền nhiệm của ông Bill Clinton là cựu Tổng thống George H.W.Bush cũng tin rằng: “Không có quốc gia nào trên Trái Đất có cách có thể cùng lúc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các nước khác, đặt ý tưởng của nước ngoài ở bên ngoài bên giới.”
Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách đàm phán Trung Quốc gia nhập WTO Charlene Barshefsky sau này đã nhận định, ở mức độ nhất định nào đó, mô hình kinh tế của Trung Quốc đã phản bác quan điểm “bạn không thể đồng thời có xã hội đổi mới sáng tạo và kiểm soát chính trị” của phương Tây. Tóm lại, “phương Tây cho rằng hệ thống không dung hòa không nhất định không dung hòa.”
20 năm trôi qua, Trung Quốc đã thay đổi triệt để hệ thống kinh tế-thương mại thế giới và cục diện địa chiến lược toàn cầu. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 8 lần và nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Từ chỗ chỉ chiếm 4% tỷ trọng kinh tế thế giới vào năm 2001, tỷ trọng của Trung Quốc đã tăng lên 17,4% vào năm 2020, hơn nữa nước này đã cơ bản xóa bỏ 500 triệu dân số đói nghèo trước khi gia nhập WTO.
Lực lượng lao động tay nghề cao đông đảo, cơ sở hạ tầng tốt và hệ thống sản xuất hoàn chỉnh đã thúc đẩy Trung Quốc chủ yếu đảm nhận các khâu sản xuất hàng hóa cuối cùng trực tiếp hướng đến người tiêu dùng trong phân công chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” cũng mang lại cái gọi là “cú sốc nguồn cung.” Trong 20 năm, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 7 lần, và nước này nhanh chóng trở thành cường quốc xuất khẩu lớn nhất toàn cầu, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của rất nhiều nước.
Đến năm 2020, thị phần của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu đã đạt gần 15%. Hơn nữa, các hình thái mới về thương mại xuyên biên giới của Trung Quốc có quy mô tăng trưởng gần 10 lần trong khoảng 5 năm qua, và nước này trở thành động lực mới của thương mại quốc tế. Trung Quốc đã từ chỗ xuất nhập khẩu lẻ tẻ chưa đến 10 container/ngày và rồi trở thành “siêu thị thế giới.”
Một báo cáo của Goldman Sachs vào tháng 4/2018 nhấn mạnh, nếu nhu cầu và sản xuất tổng thể không thay đổi, ít nhất cần 5 năm và đầu tư 30-35 tỷ USD thì mới có thể chuyển hoàn toàn ngành sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Mỹ, khi đó chi phí tổng thể sản xuất điện thoại sẽ tăng 37%.
Ngoài ra, Trung Quốc còn là nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất toàn cầu. Trên lĩnh vực tài chính, quy mô tổng tài sản ngành ngân hàng Trung Quốc đứng thứ nhất thế giới, quy mô thị trường trái phiếu và cổ phiếu đứng thứ hai toàn cầu.
Trên thực tế, sự phát triển của Trung Quốc đã vượt xa vai trò dự kiến là một công xưởng của phương Tây. Đúng như bà Charlene Barshefsky đã nói, khi Trung Quốc một lần nữa trỗi dậy với tư cách là người lãnh đạo cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đây là một vấn đề rất khó xử lý, WTO không thể xử lý.
Năm 2014, cựu Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích Trung Quốc “đi xe quá giang miễn phí” suốt 30 năm. Và đến ngày 23/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lúc đó tuyên bố sự thất bại của cái gọi là chính sách “can dự” của Mỹ đối với Trung Quốc trong quá khứ tại Thư viện Tổng thống Nixon ở bang California.
Ông Pompeo đã nhấn mạnh cần phải “tách rời” Trung Quốc và viện dẫn phát biểu của Tổng thống Donald Trump lúc đó: “Chúng ta cần một chiến lược bảo vệ nền kinh tế và lối sống của Mỹ.”
Trên thực tế, Trung Quốc gia nhập WTO không phải không chịu mất mát và biến động, thậm chí đến nay vẫn đang lặng lẽ khắc phục di chứng gây nên từ việc gia nhập WTO. Các hậu quả bao gồm thực hiện chương trình tái bố trí việc làm cho một số lượng lớn công nhân mất việc và nông dân mất đất, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo và phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, hạ các rủi ro lớn do gia nhập WTO mang lại xuống mức thấp nhất.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế Thạch Quảng Sinh thừa nhận, “khi đó, vấn đề lo lắng nhất là ngành công nghiệp ôtô sẽ bị sụp đổ, bởi vì trên thực tế ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc quá yếu.”
Hiện nay nhìn lại, sự lo lắng này có phần hơi quá mức. Ngoài ra, các ngành như nông nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm… cũng không chịu tác động tiêu cực lớn, hơn nữa có sự phát triển ổn định.
Nguyên nhân là một mặt Trung Quốc vững tin gia nhập WTO có thể thúc đẩy đất nước phát triển thông qua cạnh tranh, mặt khác lại liên quan đến vấn đề “ứng phó có hiệu quả,” ngay từ khi bắt đầu thực hiện hạn ngạch nhập khẩu, nước này đã thực hiện một số quy định cụ thể liên quan đến tiêu chuẩn phát thải, rốt cuộc người dân ít mua ôtô có lượng phát thải cao.
Trong thỏa thuận quy định, các doanh nghiệp ôtô nước ngoài tiến vào thị trường Trung Quốc phải liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc, mỗi bên nắm giữ một nửa cổ phần, lợi ích chia đôi.
Với cách làm như vậy, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc vừa có được công nghệ vừa đạt được sự phát triển vượt bậc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế Long Vĩnh Đồ, người từng đảm nhận trọng trách trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc hồi tưởng: “Tôi không cho rằng Trung Quốc gia nhập WTO (đối với Mỹ và phương Tây) là một sai lầm lịch sử bóp chết việc làm. Khi Trung Quốc phát triển, nước này cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu khổng lồ cho các nước khác trên toàn cầu.”
Tuy nhiên, ông Long Vĩnh Đồ cũng thừa nhận rằng, sự phân phối hoặc thu nhận lợi ích này là không cân bằng: “Khi phân phối tài sản không công bằng, Chính phủ Mỹ nên áp dụng biện pháp để điều chỉnh sự phân phối thông qua chính sách trong nước…, và việc đổ lỗi cho một quốc gia khác có thể giúp giải quyết vấn đề. Không có Trung Quốc, ngành sản xuất của Mỹ sẽ chuyển sang Mexico.”
Từ “sơn trại” đến đổi mới sáng tạo
Những năm gần đây Trung Quốc đạt được tiến bộ to lớn trên các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như thăm dò vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông 5G, điện toán đám mây, khoa học vật liệu, kỹ thuật hóa học, công nghệ sinh học, chuỗi khối (blockchain), khoa học thần kinh và người máy…, đứng hàng đầu thế giới.
Lĩnh vực không thu hút sự quan tâm của mọi người là điện toán lượng tử cũng đạt được thành tựu mang tính đột phá. Gần đây, đội ngũ nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu đổi mới sáng tạo thông tin lượng tử và công nghệ lượng tử thuộc Viện Khoa học Trung Quốc lại đạt được tiến triển quan trọng về phương diện điện toán lượng tử của hai hệ thống tính toán lượng tử siêu dẫn và quang lượng tử. Điều đó giúp Trung Quốc trở thành nước duy nhất trên thế giới hiện nay đạt được cột mốc “tính ưu việt của điện toán lượng tử” trong hai hệ thống vật lý, đồng thời còn đạt được một loạt thành quả khoa học công nghệ mang tính nguyên bản quan trọng mà tiêu biểu là chất siêu dẫn dựa trên sắt (FeSC), tế bào gốc.
Một loạt cái gọi là “vũ khí hạng nặng quốc gia” lần lượt xuất hiện. Bao gồm chương trình thăm dò Mặt Trăng được gọi là “sau 44 năm, loài người một lần nữa mang các mẫu đá mới từ Mặt Trăng trở về,” phi hành gia Trung Quốc lần đầu tiên vào trạm không gian (trạm vũ trụ) của mình, “Thiên Vấn 1” đáp thành công xuống bề mặt Sao Hỏa; kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới “Thiên Nhãn” với độ nhạy gấp 2,5 lần kính viễn vọng vô tuyến lớn thứ hai thế giới, thể tích phạm vi không gian thăm dò hiệu quả mở rộng bốn lần, nghĩa là các nhà khoa học có khả năng phát hiện nhiều thiên thể chưa biết, nhiều hiện tượng vũ trụ chưa biết và nhiều quy luật vũ trụ chưa biết; hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu duy nhất trên thế giới hình thành từ ba vệ tinh quỹ đạo; tàu lặn “Người phấn đấu” có người lái có khả năng lặn sâu nhất thế giới hiện nay…
Ngoài ra, trên các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, hải dương… Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành tựu. Những năm gần đây, Trung Quốc được mệnh danh là “Quái vật cơ sở hạ tầng,” về hình thức có vẻ hơi khuếch trương, nhưng đây không phải là hư danh, nguyên nhân chủ yếu do nhiều công trình đẳng cấp thế giới về xây dựng cầu lớn, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc… của Trung Quốc liên tục lập kỷ lục mới.
Có một cách nói đầy hình ảnh chính là khối lượng bê tông cốt thép Trung Quốc tiêu thụ trong 3 năm đã vượt quá lượng tiêu thụ trong toàn bộ thế kỷ XX của Mỹ.
Hiện nay, chiều dài vận hành đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đạt 37.900 km, đứng thứ nhất thế giới; chiều dài đường bộ cao tốc khoảng 160.000 km, cũng đứng đầu thế giới. 10 công trình liên quan đến đường sắt hoàn thành trong năm 2020 (bao gồm 5 cầu, 3 đường hầm, 2 nhà ga) đều có chiều dài lớn nhất thế giới.
Cụ thể, cầu dây văng lưỡng dụng đầu tiên nối Thượng Hải-Tô Châu-Nam Thông trên sông Trường Giang (Dương Tử) bao gồm 4 làn tàu và 6 làn xe có dịp dài hơn 1.000m, độ cao của trụ chính tương đương với 100 tầng lầu, cao nhất thế giới; lượng thép sử dụng tương đương với 20 sân vận động “Tổ Chim” Bắc Kinh, lớn nhất thế giới. Cầu Ngũ Phong Sơn trên sông Trường Giang là một bộ phận của tuyến đường sắt Liên Vân Cảng-Trấn Giang, là cầu treo dây võng lưỡng dụng cao tốc đầu tiên trên thế giới, tải trọng vận hành lớn nhất thế giới.
Đường hầm khó đào nhất trong lịch sử Đại Trụ Sơn được hình dung là “đào hầm trên bã đậu phụ”; đường hầm Thượng Các Thôn xuyên qua cao nguyên Hoàng Thổ lớn nhất thế giới, khắc phục những khó khăn kỹ thuật mang tính toàn cầu… Sự ra đời của những công trình cơ sở hạ tầng gây chấn động thế giới này chính là biểu hiện của sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Bên cạnh đó, các tàu nạo vét cỡ lớn trên biển của Trung Quốc đã đoạt giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia, với các ví dụ tiêu biểu bao gồm tàu nạo vét tự hành hạng nặng “Thiên Kình” và “Thiên Côn.”
“Thiên Kình” dài 127,5m, độ sâu đào tối đa 30m, từng là tàu nạo xúc mạnh nhất châu Á, có thể thải hỗn hợp cát biển và nước biển ra khoảng cách 6.000m với tốc độ 4.500m3 mỗi giờ.
“Thiên Côn” là tàu nạo vét tự hành hạng nặng lớn nhất châu Á thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, dài 140 m, độ sâu đào tối đa 35m, mỗi giờ nạo vét 6.000 m3, định mức công suất của mũi khoan là 6.600 KW. Công trình lấn biển giai đoạn đầu của dự án thành phố cảng Colombo, một trong những dự án quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được lực lượng thi công của Trung Quốc sử dụng thiết bị nạo vét dòng cỡ lớn trên biển, hoàn thành trước thời hạn 2 tháng công trình lấn biển xây đảo lớn nhất ở Ấn Độ Dương.
Trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, Trung Quốc cũng đứng nhóm đầu thế giới. Các công nghệ năng lượng xanh do Trung Quốc chế tạo như công nghệ sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời (tấm quang năng) và pin điện loại lớn đang dẫn đầu thế giới, việc đi đầu trên phương diện này có lợi cho Trung Quốc trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng lộ trình phát triển công nghệ và phương án hành động công nghệ trung hòa carbon, tổ chức nghiên cứu các công nghệ then chốt để đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon, triển khai nghiên cứu và thí điểm các vấn đề cốt lõi như công nghệ năng lượng mới, công nghệ tổng quát trung hòa carbon, công nghệ tái tạo quy trình công nghiệp carbon thấp và carbon bằng 0, công nghệ đột phá mũi nhọn hướng đến trung hòa carbon.
Phòng ngừa và xử lý ô nhiễm đều dựa vào đổi mới sáng tạo công nghệ, chương trình nghiên cứu và phát triển trọng điểm quốc gia đã tổ chức thực hiện 10 dự án trọng điểm như nguyên nhân và công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí…, tổ chức thực hiện các dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về kiểm soát và xử lý ô nhiễm nước, tổ chức thực hiện có hệ thống việc nghiên cứu đột phá các công nghệ then chốt như phòng ngừa và xử lý ô nhiễm không khí, nước, đất và bảo vệ môi trường sinh thái.
Liên quan đến phòng chống dịch bệnh, Trung Quốc đã lựa chọn sử dụng nhiều loại công nghệ cao như quét mã QR trên điện thoại di động, trí tuệ nhân tạo và người máy để khống chế dịch bệnh.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy đột phá nghiên cứu khoa học xoay quanh 5 phương hướng lớn bao gồm điều trị lâm sàng và thuốc, nghiên cứu phát triển vaccine, nguồn gốc virus và dịch tễ học, công nghệ và sản phẩm xét nghiệm, mô hình động vật, thực hiện thành công một cuộc chiến công nghệ chống dịch.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, nguyên nhân nằm ở sự đầu tư tích cực và nguồn nhân tài phong phú. Thông qua chính sách vĩ mô quốc gia để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, đảm bảo kinh phí R&D đầy đủ cho nhân viên nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh xây dựng các trường đại học đẳng cấp hàng đầu cũng giúp gia tăng các tổ chức nghiên cứu, vị trí nghiên cứu.
Mức tăng bình quân hàng năm cho đầu tư R&D của Trung Quốc trong 10 năm gần đây đạt 16,9%, tỷ trọng đầu tư cho R&D lần đầu tiên vượt 6%. Hơn nữa, Trung Quốc có kế hoạch tăng kinh phí đầu tư cho R&D toàn xã hội trên 7%/năm trong giai đoạn 2020-2025, đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu cơ bản.
Theo các thống kê liên quan, số lượng luận văn khoa học tự nhiên mà các nhân viên nghiên cứu khoa học Trung Quốc công bố trong những năm gần đây đã đứng đầu thế giới, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế cũng đứng đầu thế giới – giữa thập niên 1990, khi Trung Quốc vừa gia nhập Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế hàng năm theo khuôn khổ này chỉ hơn 100, tuy nhiên đến năm 2020, con số này đã vượt quá 68.000.
Lấy trí tuệ nhân tạo làm ví dụ, một báo cáo nghiên cứu năm 2020 của Đại học Stanford cho thấy, xét về tỷ lệ trích dẫn luận văn liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đăng trên các tạp chí học thuật chuyên ngành, Trung Quốc chiếm 20,7% trong năm 2020, lần đầu tiên đứng đầu thế giới.
Về phương diện ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới, nhiều thành phố ở Trung Quốc bắt đầu sử dụng thuật toán “cảm biến thông minh” và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa nền kinh tế đô thị. Thiết bị không người lái (drone), người máy, nông nghiệp thông minh, giao hàng thông minh, phương tiện tự hành… từng bước đi vào đời sống của người dân.
Các kịch bản ứng dụng trong kỷ nguyên thông minh hóa này có nhu cầu mạnh mẽ về công nghệ định vị vệ tinh, do đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành định vị vệ tinh.
Thông qua giải quyết vấn đề công nghệ mũi nhọn, phát triển cơ sở hạ tầng mới để mở rộng kết nối số, nâng cao năng lực số và năng lực tính toán, có thể tạo ra “mảnh đất” lý tưởng, hình thành môi trường tích cực cho việc “ươm tạo” các ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới và mô hình kinh doanh mới./.