Canada kháng cáo phán quyết của WTO về thuế nhập khẩu gỗ mềm

Canada kháng cáo sau khi WTO chấp thuận phương pháp mà Mỹ sử dụng để tính thuế quan trong tranh chấp thương mại giữa Canada và Mỹ về gỗ mềm xẻ nhập khẩu từ Canada.
Canada kháng cáo phán quyết của WTO về thuế nhập khẩu gỗ mềm ảnh 1Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ottawa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Canada ngày 15/4 thông báo sẽ kháng cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi thể chế này chấp thuận phương pháp mà Mỹ sử dụng để tính thuế quan trong tranh chấp thương mại giữa Canada và Mỹ về gỗ mềm xẻ nhập khẩu từ Canada.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tuyên bố của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết, trong quá khứ, WTO từng hơn 20 lần ra phán quyết rằng phương pháp "zeroing" (quy về 0) của Mỹ là trái với các quy định của WTO.

Tuy nhiên, trong phán quyết ngày 9/4 vừa qua, ban giải quyết tranh chấp của WTO lại nhất trí với Mỹ rằng phương pháp "quy về 0" được phép sử dụng trong những trường hợp có nghi ngờ về hoạt động bán phá giá.

[Canada gây thêm sức ép buộc Mỹ hủy thuế nhập khẩu nhôm, thép]

Phán quyết của WTO hồi tuần trước cũng đã bác bỏ lý lẽ của Canada cho rằng việc Mỹ sử dụng công thức tính thuế "quy về 0" là vi phạm luật thương mại quốc tế.

Gỗ xẻ mềm của Canada là một trong những vấn đề chính gây xung đột trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada suốt hơn 3 thập niên qua.

Hồi tháng 11/2017, Ottawa đã quyết định kiện Mỹ lên WTO, sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 18,19% đối với các sản phẩm gỗ xẻ của Xứ sở lá phong.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng động thái trên là xác đáng sau khi kết luận Canada đã trợ cấp không công bằng và bán phá giá sản phẩm này tại thị trường Mỹ. Còn Ngoại trưởng Freeland gọi mức thuế quan này là "không công bằng và phi lý."

Trong các vụ kiện lên WTO, Mỹ đã nhiều lần thua kiện vì việc dụng sử dụng cách tính thuế "quy về 0" - phương pháp gây tranh cãi nhất trong thực tiễn áp dụng biện pháp chống bán phá giá trên thế giới. Mỹ là quốc gia thường xuyên sử dụng phương pháp này khi tính toán biên độ phá giá.

Cách tính này được cho là gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu do đẩy thuế nhập khẩu hàng hóa lên cao hơn.

Theo ước tính, hiện có khoảng 230.000 người lao động Canada làm việc trong ngành lâm nghiệp và có tới 70% số gỗ xẻ của Canada xuất sang thị trường Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.