Cảng của Israel giảm 80% doanh thu do Houthi đe dọa tuyến vận tải biển

Kể từ khi Houthi đe dọa tấn công vào các tàu đi qua Eo biển Bab-el-Mandeb hướng tới Israel, cảng Eilat ghi nhận doanh thu giảm 80% do lượng tàu cập bến giảm đột biến.

Tàu chở hàng Galaxy Leader (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ hai ngày trước, về tới cảng tỉnh Hodeida, ngoài khơi Biển Đỏ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu chở hàng Galaxy Leader (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ hai ngày trước, về tới cảng tỉnh Hodeida, ngoài khơi Biển Đỏ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Shaul Schnedier, Giám đốc Điều hành Cảng Asdod ở miền Nam Israel ngày 19/12 cho biết cảng biển này đã sẵn sàng tiếp nhận các chuyến tàu chuyển hướng từ cảng Eilat ở Biển Đỏ lên Địa Trung Hải để tránh các cuộc tấn công của nhóm phiến quân Houthi.

Trước đó, Tổng giám đốc Cảng Eilat, ông Gideon Golber, cho biết kể từ khi Houthi đe dọa tấn công vào các tàu đi qua Eo biển Bab-el-Mandeb hướng tới Israel, cảng này ghi nhận doanh thu giảm 80% do lượng tàu cập bến giảm đột biến.

Theo ông, do lo sợ trước những lời đe dọa của Houthi, các tàu thuyền đã không chọn lộ trình qua Kênh đào Suez tới Eilat mà sẽ vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, qua Eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải rồi tới Cảng Haifa hay Asdod, khiến hải trình phải tăng thêm tới 20 ngày.

Cảng Eilat là một cửa ngõ hàng hóa quan trọng ở cực Nam Israel và cũng là cửa khẩu duy nhất để Israel giao thương với miền Nam mà không phải đi qua Kênh đào Suez. Đây là điểm xuất khẩu kali và khoáng sản sang Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường phương Đông, cũng như nhập khẩu gia súc (Australia), ôtô (Đông Bắc Á).

Riêng Cảng Eilat chiếm tới 75% lượng ôtô nhập khẩu của toàn Israel và được coi là ngành kinh tế quan trọng nhất tại hải cảng này.

Theo Tiến sỹ Elyakim BenHakoun thuộc Đại học Công nghệ Technion, khoảng 99% khối lượng hàng hóa nhập khẩu vào Israel là bằng đường biển, trong đó khoảng 40% đi qua Kênh đào Suez.

Việc các tàu bè phải vòng qua châu Phi vào Địa Trung Hải rồi mới đến Israel sẽ khiến thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài từ 2 tuần đến 4 tuần, tùy theo tốc độ của tàu và đích đến. Việc này khiến chi phí vận tải sẽ tăng thêm khoảng 400.000 đến 1 triệu USD cho mỗi chuyến tàu.

Vừa qua, một loạt doanh nghiệp vận tải biển như Maersk, Hapag-Lloyd, MSC, CMA CGM… thông báo tạm dừng hoạt động lưu thông qua Biển Đỏ do gia tăng nguy cơ bị phong trào Houthi tấn công.

Lực lượng này mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động tấn công chừng nào Israel ngừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép phân phối hàng cứu trợ tới dân thường Palestine tại vùng lãnh thổ này.

Văn phòng Thủ tướng Israel cùng ngày 19/12 cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng ngày đã điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modi về sự cần thiết phải bảo vệ hoạt động hàng hải cũng như kinh tế toàn cầu trước các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.

Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Modi cũng thông báo đã có cuộc trao đổi quan điểm hữu ích với Thủ tướng Netanyahu về cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, trong đó có những lo ngại chung về an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, ông Modi nhấn mạnh lập trường của Ấn Độ ủng hộ việc sớm khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực, thông qua việc tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, giới chức Anh và Mỹ cảnh báo các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ nguy cơ tác động xấu đến kinh tế và thương mại toàn cầu.

Cùng ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lên án các cuộc tấn công "chưa từng có" của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào hoạt động hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ, cho rằng điều này đe dọa dòng chảy thương mại toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder nêu rõ Bộ trưởng Austin lên án các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận tải biển quốc tế và thương mại toàn cầu là “chưa từng có và không thể chấp nhận được," đồng thời cảnh báo những vụ tấn công này đe dọa dòng chảy tự do thương mại.

Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cũng cho rằng những vụ tấn công này là mối đe dọa “không thể chấp nhận được” đối với kinh tế toàn cầu, tác động xấu đến an ninh khu vực và nguy cơ đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Ông Shapps nhấn mạnh đây là vấn đề quốc tế, đòi hỏi có giải pháp toàn cầu.

Theo ông, Tàu khu trục HMS Diamond của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ tham gia lực lượng đặc nhiệm quốc tế mới được thành lập để bảo vệ hoạt động hàng hải trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết đã điều tàu HMS Diamond đến khu vực này vào tháng trước, tham gia cùng tàu khu trục HMS Lancaster, 3 tàu rà phá bom mìn và tàu hậu cần Royal Fleet Auxiliary nhằm gia tăng sự hiện diện lâu dài tại vùng Vịnh.

Tàu HMS Diamond đã đến Biển Đỏ vào cuối tuần qua và bắn hạ 1 máy bay không người lái nghi là của phiến quân Houthi đang theo dõi hoạt động vận tải hàng hóa.

Trong nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công nhằm vào các tàu chở hàng trên Biển Đỏ, Mỹ cùng với các nước đối tác ngày 18/12 thông báo thành lập liên minh an ninh gồm 10 quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại. Liên minh này gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tuyên bố Hải quân nước này sẽ cử một tàu khu trục để giúp bảo vệ tuyến vận tải Biển Đỏ.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Crosetto nói: "Italy sẽ thực hiện phần việc của mình, cùng với cộng đồng quốc tế, để chống lại hoạt động khủng bố gây bất ổn của phiến quân Houthi”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.